Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Mở ra hướng nghiên cứu mới về vùng đất An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Lịch sử và văn hóa vùng đất An Khê” là tên một công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh tương đối toàn diện vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá đạt kết quả. Với lượng thông tin dồi dào, phong phú, đề tài này được xem như “cẩm nang” để bước vào hành trình khám phá vùng đất cửa ngõ phía Đông của tỉnh với những giá trị độc đáo mà không nơi nào có được. 
Nói về lý do lựa chọn đề tài, Th.S Nguyễn Hồng Thắng-giáo viên Trường THCS Mai Xuân Thưởng (thị xã An Khê), chủ nhiệm đề tài-cho biết: “An Khê là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời so với các địa bàn khác trong tỉnh. Theo thời gian, các nhân chứng, tư liệu quý giá ngày càng ít dần, đặc biệt là những bậc cao niên am tường về vùng đất, con người An Khê. Trong quá trình xây dựng và phát triển, tốc độ đô thị hóa cũng làm mai một các giá trị truyền thống, văn hóa các dân tộc. Xuất phát từ thực tế đó, việc triển khai điền dã, sưu tầm, nghiên cứu lịch sử và văn hóa vùng đất An Khê đã được triển khai thực hiện từ tháng 5-2016 với mong muốn mở ra các hướng tìm hiểu, khám phá mới về vùng đất nơi cửa ngõ này của tỉnh bởi còn đó những giá trị đặc biệt chưa nghiên cứu hết”.
 Đình làng cổ-một trong những giá trị văn hóa ghi dấu ấn của người Việt trên vùng đất An Khê. Ảnh: N.B
Đình làng cổ-một trong những giá trị văn hóa ghi dấu ấn của người Việt trên vùng đất An Khê. Ảnh: N.B
Với ý tưởng đó, đề tài “Lịch sử và văn hóa vùng đất An Khê” đã tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử, văn hóa của vùng đất này từ thế kỷ XVII đến nay. Từ đó, nhóm nghiên cứu giới thiệu đến công chúng và bạn bè quốc tế những giá trị độc đáo của nó, góp phần định hướng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị. Đây là đề tài khoa học được các thành viên trong Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá có phạm vi nghiên cứu rộng, chia làm 3 phần với 9 chương, trình bày một cách có hệ thống về lịch sử và văn hóa vùng đất An Khê trong tiến trình lịch sử: từ đặc điểm tự nhiên, con người An Khê qua góc nhìn khảo cổ học (phần thứ nhất), đến những chuyển biến của lịch sử và văn hóa từ thế kỷ XVII đến nay, từ quá trình hình thành các cộng đồng người Việt đầu tiên đến, quan hệ giao thương giữa vùng Thượng và Hạ đạo đến những dấu ấn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (phần thứ 2). Phần thứ 3 mô tả văn hóa dân gian vùng đất An Khê bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể của cư dân An Khê như nhà ở, di tích lịch sử, kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực, truyền thuyết, văn tự, thi ca liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn, võ cổ truyền…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến-nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nhận xét nội dung đề tài thực hiện khá đồ sộ so với một báo cáo khoa học cấp tỉnh. Đây là đề tài mới, không trùng lắp với các công trình khoa học đã nghiên cứu, công bố trước đó nên mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế song rất đáng ghi nhận. Một thành viên khác, TS. Nguyễn Thị Kim Vân-Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cũng cho rằng đây là một đề tài có phạm vi rộng, kinh phí ít, do đó rất đáng ghi nhận nỗ lực của nhóm nghiên cứu. “Đề tài này đã mang lại những hiểu biết nhất định về văn hóa-lịch sử vùng đất An Khê. Trong nhiều nội dung, tôi đặc biệt đánh giá cao những nghiên cứu về mảng văn hóa, nhất là về đình cổ, các sắc phong…”-TS. Nguyễn Thị Kim Vân nói. Tuy nhiên, cũng theo TS. Kim Vân, đáng tiếc là có một số nội dung rất hay nhưng tác giả chưa nghiên cứu đến tận cùng như nghề thủ công truyền thống của người Việt, những nghề buôn khá nổi tiếng trên vùng đất này do đặc trưng về vị trí địa lý mà hình thành, hay văn hóa ẩm thực thể hiện trong từng món ăn của người Việt trên vùng đất cửa ngõ của tỉnh… Bên cạnh đó, do không giới hạn được phạm vi một cách rõ ràng nên các tác giả còn có phần lúng túng khi triển khai nhiệm vụ nghiên cứu.
Tuy vẫn còn những hạn chế nhưng tác giả Nguyễn Hồng Thắng hy vọng đề tài “Văn hóa, lịch sử của vùng đất An Khê” sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về vùng đất có bề dày truyền thống này. “Những đóng góp của các nhà khoa học là rất quý giá giúp tôi bổ sung những kiến thức về văn hóa và lịch sử của chính nơi mình đang sinh sống”-anh nói.
Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm