Lại có bài thơ, chưa từng in ở bất cứ tờ báo nào, nhưng may mắn có một độc giả đặc biệt, thầy giáo Nguyễn Văn Minh, khi ấy là hiệu trưởng một trường học yêu thích và thuộc lòng. Sau này, vì điều kiện gia đình, thầy Minh xin chuyển về dạy học ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Thỉnh thoảng, anh lại gọi điện đọc cho tôi nghe để nhớ về thời tuổi trẻ.
Bến Mộng nằm ở hữu ngạn sông Ba, phía dưới ngã ba sông nơi hợp lưu giữa dòng sông Ba và sông Yun làm nên cánh đồng Ayun Hạ gần 30 ngàn ha thẳng cánh cò bay giữa cao nguyên bát ngát. Tại Bến Mộng hồi ấy có một ngôi nhà rông lợp tôn cao sừng sững nghiêng bóng bên dòng sông Ba. Đó như là một điểm nhấn nên thơ của Bến Mộng.
Dòng sông Ba, mùa khô qua đoạn này hiền hòa êm dịu, những triền cát trải vàng mênh mông. Mùa nước cạn, người dân thường lội sông qua lại đôi bờ. Nước lớn hơn thì sử dụng những con thuyền nhỏ. Chiều hè, các chị, các mẹ lại mang những gùi quả bầu khô ra bãi cát triền sông để lấy nước. Họ moi ra những lỗ sâu hoắm trên cát trắng như những trò chơi của con trẻ trên bãi biển. Chờ cho nước rỉ ra đầy hố cát, lắng xuống trong veo thì lấy vào vỏ quả bầu khô nút lá địu về.
Những buổi chiều nóng bức, trong chiếc gùi của các chị, các mẹ thường có những quả xoài xanh. Ayun Pa ngày ấy cũng được mệnh danh là xứ sở của xoài. Những quả xoài tròn căng như đôi má của thiếu nữ Tây Nguyên đang tuổi dậy thì. Khi xanh, thứ trái ấy có vị chua thanh, hợp với các món cà xóc. Khi chín, xoài ngọt thơm. Thời trẻ, tôi cũng mê vị chua thứ xoài Bến Mộng. Những chiều hè thơ thẩn ra sông thế nào cũng được bà con cho mấy quả, dành ăn trong mấy ngày.
Cùng ở làng với tôi lúc ấy có một anh lái máy cày bánh xích chuyên khai hoang xây dựng đồng ruộng. Hồi trước, bên kia Bến Mộng là một vùng đất hầu như cô lập, nhất là vào mùa mưa. Máy cày, máy ủi phải qua sông vào mùa nước cạn nhất, ở đoạn thuận lợi nhất. Bên ấy là một dải đất bằng rộng lớn, còn thiếu sức khai phá. Giao thông khó khăn, không có điện, không có công trình thủy lợi… đa phần diện tích chỉ canh tác lúa rẫy nhờ nước trời. Cả vùng ấy phía ngoài là xã Chư Mố, phía trong là Ia Tul. Sau này được chia ra thành 4 xã bên kia sông: Ia Broăi, Chư Mố, Ia Tul, Ia Kdăm.
Anh lái máy cày có thói quen rất lạ là nhớ hơi vợ. Cứ vàng mặt trời, tắt máy là anh vác cái xe đạp lội sông trở về Ayun Pa. Anh bảo quen rồi, đêm không có hơi vợ thì không chợp mắt được. Thành ra tôi cứ thui thủi một mình nằm nhà sàn của đồng bào Jrai là vậy. Lúc còn độc thân, tôi có cái thú thích lang thang đó đây dưới làng, ăn gì cũng được, ngủ đâu cũng xong.
Trên mạn Ia Tul là quê của bác Ksor Krơn-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. Tôi nhớ, để phát điện cho vùng đất tối tăm ấy, một đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh đã tặng làng một cụm máy phát điện chạy bằng củi. Hàng ngày, người dân phải thay nhau vào rừng chặt củi gùi về cho máy điện. Người dân cứ bỏ củi vào đến đâu, máy nổ đến đấy và cho ra ánh sáng điện tỏa khắp làng.
Còn vùng Chư Mố là quê của bác Siu Tám, thủ trưởng cũ của tôi. Nhìn ngọn núi Chư Mố tọa lạc giữa vùng đất bằng ven con sông lớn, tôi cứ như bay trong miền mộng mơ. Theo tác giả Jacques Dournes trong cuốn “Rừng, đàn bà, điên loạn”, Chư Mố là một ngọn núi kỳ lạ 4 mặt, có chân hình vuông. Mặt Tây là Mố, là phần núi nhìn rõ nhất từ làng Mố, cũng chính là tên của toàn thể ngọn núi. Mặt Bắc là Mom. Mặt Nam là Sak. Mặt Đông là Diung, không nhìn thấy được.
Bây giờ, Nhà nước đã đầu tư làm cây cầu lớn bắc qua sông Ba đoạn Bến Mộng, có con đường nhựa lớn chạy dọc vùng đất bên kia sông nối các xã với thị xã Ayun Pa, thông về Ia Pa, đêm ngày xe cộ qua lại như mắc cửi. Bên kia Bến Mộng, cuộc sống đã trở nên sôi động, ồn ã.
Trong tôi, một Bến Mộng xa lắc ngậm ngùi nhung nhớ đôi lúc lại khơi dậy giữa dòng vô thức.