Điểm đến Gia Lai

Mơ về khu du lịch quốc gia - Kỳ 1: Chư Đăng Ya vẻ đẹp của những dấu tích triệu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Là 2 dấu tích điển hình nhất của núi lửa được hình thành từ hàng triệu năm trước, tồn tại dưới dạng âm (Biển Hồ) và dương (núi lửa Chư Đăng Ya) tạo thành một trục âm-dương hài hòa cho vùng phía Tây. Nếu "Đôi mắt Pleiku" trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của du lịch Gia Lai thì núi lửa Chư Đăng Ya lại là điểm đến mới nổi hấp dẫn nhất của tỉnh.

 Màu xanh của núi lửa Chư Đăng Ya-điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh Gia Lai do Vietkings bầu chọn. Ảnh: M.C
Màu xanh của núi lửa Chư Đăng Ya-điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh Gia Lai do Vietkings bầu chọn. Ảnh: M.C

Giấc mơ thương hiệu du lịch cho mỗi một vùng đất luôn được thể hiện bằng những nỗ lực và cộng hưởng từ nhiều phía. Mơ về một Khu Du lịch Quốc gia Biển Hồ-Chư Đăng Ya sẽ không còn xa khi Gia Lai đã hội đủ điều kiện về thiên thời, địa lợi.

Người ta đã luôn muốn tới đây để tìm lại những cảm xúc thành thật: khi tươi rỡ, khi u buồn. Biển Hồ hay núi lửa Chư Đăng Ya sẽ đưa bạn đi đến tận cùng những xúc cảm khó dối ấy khi chiêm ngưỡng sự biến ảo của cảnh sắc lúc bình minh hay khi chiều tà, vào mùa khô hay khi mưa xuống, lúc rạng rỡ trong bức tranh hoa hay buồn man mác trong sương khói vào những khoảnh khắc giao mùa đỏng đảnh của cao nguyên Pleiku.  

Qua miền núi lửa

Màu vàng của dã quỳ trên núi lửa Chư Đăng Ya vào mỗi độ tháng 11 trở đi đã trở thành biểu tượng của ngọn núi này: một bức tranh hoa. Chư Đăng Ya luôn khiến người ta muốn hẹn hò mỗi độ hoa vàng.

Nhưng "củ gừng dại"-theo cách gọi của người địa phương về ngọn núi Chư Đăng Ya không chỉ đẹp trong mùa hẹn hò. Nếu bạn đến đây vào tháng 6-7 hàng năm, khi những cơn mưa đầu mùa vừa ghé thăm, sẽ thấy Chư Đăng Ya được bao phủ bởi một màu xanh dễ xúc động. Mưa xuống cũng là mùa trồng trỉa bắt đầu. Dong riềng, bí đỏ, khoai lang... cứ lan theo đất đai màu mỡ phủ xanh cả ngọn núi khổng lồ. Trên thân thể một tàn tích của sự hủy diệt xa xưa, sự sống lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bất kỳ nơi nào. Cũng vào những ngày giao mùa này, đứng tựa những cổ thụ dưới chân núi nhìn về phía mây bay, sẽ thấy ngọn núi chìm trong biển sương mờ ảo, dập dềnh giữa mây trời trong ánh sáng ban mai. Qua khoảnh khắc giao mùa không lâu, độ tháng 9-10, người ta lại chứng kiến một vẻ đẹp khác của "củ gừng dại", đó chính là mùa hoa dong riềng nở. Cứ thế, Chư Đăng Ya tuyệt đẹp suốt 4 mùa trong năm. Nếu lên núi theo bước chân của người bản địa bằng lối đường mòn, thỉnh thoảng người ta vẫn gặp những viên đá triệu năm tuổi. Đó chính là dấu tích sống động nhất của nham thạch được phun trào như một bảo chứng sống động về núi lửa từ xa xưa.

Cùng là dấu tích núi lửa nhưng tồn tại ở dạng âm, hình thành nên hồ nước tự nhiên rộng 250 ha đẹp nhất Tây Nguyên-Biển Hồ còn được ví như lá phổi xanh, điều hòa khí hậu cho cả khu vực. Biển Hồ tựa viên ngọc xanh "điểm nhãn" cho cả vùng Tây Nguyên, hấp dẫn từ vẻ đẹp đến những giá trị khảo cổ học. Biển Hồ được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là Danh thắng Quốc gia vào tháng 11-1998. Như vậy, cùng nằm trong hệ thống các dấu tích kiến tạo địa chất hàng triệu năm, đây đều là những di sản địa chất có ý nghĩa quan trọng. "Những giá trị địa chất của Biển Hồ-Chư Đăng Ya sẽ là thành phần quan trọng để bổ sung hồ sơ về Công viên địa chất toàn cầu ở Gia Lai. Như vậy, cùng với các dấu tích núi lửa, địa chất địa mạo dày đặc, các nhà khoa học sau nhiều chuyến khảo sát, làm việc đã khẳng định Gia Lai hội đủ các điều kiện để hình thành Công viên địa chất toàn cầu"-ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết.

Điểm nhấn du lịch

Mỗi người có lý do để yêu mến một vùng đất, một thắng cảnh. Sự hấp dẫn của Biển Hồ-Chư Đăng Ya không cần phải khẳng định lại khi đã giúp cho du lịch Gia Lai có vị trí nhất định sau bao nhiêu năm mờ nhạt trên bản đồ du lịch khu vực và cả nước. Đặc biệt, núi lửa Chư Đăng Ya trở thành "hiện tượng" đối với ngành Du lịch trong suốt nhiều chục năm bởi chưa có điểm đến nào làm được điều này: thu hút không chỉ khách du lịch mà hấp dẫn cả người dân. Ông Phan Xuân Vũ đánh giá: "Kết hợp 2 điểm đến này, khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya sẽ hội đủ điều kiện để trở thành trung tâm động lực phát triển du lịch Gia Lai cũng như vùng Tây Nguyên".

Như vậy, sự phát triển của khu du lịch được hình thành từ những dấu tích núi lửa gắn với các điểm đến ở phía Tây như Thủy điện Ia Ly và các điểm đến trong cung du lịch phía Đông như: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, Khu Du lịch Sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Di tích Tây Sơn Thượng đạo, Di chỉ khảo cổ học An Khê, du lịch sinh thái trải nghiệm thác-rừng Kbang... sẽ hình thành tuyến du lịch Đông-Tây có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của tỉnh. "Hiện nay Khu Du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya thu hút lượng khách tương đối lớn trong tổng số khách du lịch toàn tỉnh. Và đây sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn bậc nhất của tỉnh nếu như được đầu tư trở thành trung tâm du lịch của Gia Lai cũng như trở thành khu du lịch quốc gia"-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Hoàng cho biết.

Minh Châu


Năm 2011, tỉnh Gia Lai đón trên 173. 600 lượt khách du lịch, đến 2016 tăng lên 253.400 lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,8%/năm. Trong đó, lượng khách đến Khu Du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya ước tính chiếm 65% tổng số khách du lịch toàn tỉnh.
 

Có thể bạn quan tâm