Điểm đến Gia Lai

Mơ về khu du lịch quốc gia - Kỳ cuối: Biến tiềm năng thành hiện thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sức hấp dẫn của Khu Du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya, cùng dự án ngàn tỷ do tập đoàn BOSSCO đăng ký đầu tư, ngành Du lịch tỉnh có thêm cơ sở xây dựng đề án bổ sung khu du lịch này vào danh mục các khu du lịch quốc gia.

“Khu Du lịch quốc gia là danh hiệu do Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận cho một khu du lịch đáp ứng đủ các điều kiện như: có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn, có khả năng thu hút nhiều khách du lịch; diện tích tối thiểu 1.000 ha; có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất 1 triệu lượt khách mỗi năm... Như vậy, Khu Du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya hội đủ các điều kiện để đưa vào quy hoạch khu du lịch quốc gia. Điều này sẽ mang lại những tác động tích cực, nâng cao vị thế của du lịch Gia Lai trong khu vực và cả nước. Đề án đã được UBND tỉnh xem xét đồng ý gửi Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt”-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Hoàng cho biết.

Dự án ngàn tỷ

Khu vực Biển Hồ-Chư Đăng Ya luôn được nhìn nhận như một điểm đột phá để phát triển du lịch của tỉnh. Trong giai đoạn 2011-2016, tỉnh đã chú trọng hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch làm tiền đề thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Một số dự án hạ tầng đã được đầu tư tại Khu Du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya như đường vành đai nhánh 1, nhánh 2, dự án bờ kè Biển Hồ (đã triển khai xong giai đoạn I)... Đặc biệt, tiềm năng của khu lịch này đã lọt “mắt xanh” của nhà đầu tư chiến lược, đó là Công ty cổ phần Tập đoàn BOSSCO với dự án “Tổ hợp du lịch núi lửa Chư Đăng Ya-Biển Hồ” có vốn dự kiến 5.000 tỷ đồng. Dự án đề xuất của Tập đoàn BOSSCO dự kiến có quy mô trên 2.000 ha với nhiều hạng mục về khách sạn, sinh thái-nghỉ dưỡng, các loại hình thể thao, trung tâm thương mại...

 
Khu Du lịch Biển Hồ. (ảnh internet)
Khu Du lịch Biển Hồ. (ảnh internet)
Hiện cả nước có 1 khu du lịch quốc gia được công nhận là Hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng) và 47 khu du lịch được đưa vào danh mục quy hoạch của Chính phủ. Trong danh mục này hiện chưa có khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya.

Đánh giá về tiềm năng du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya, ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho rằng, đây là khu vực có tiềm năng du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh Gia Lai. “Không chỉ có cảnh quan sinh thái nổi bật, gắn với quần thể tự nhiên rộng lớn gồm rừng thông, cánh đồng chè, cà phê với diện tích hàng trăm ha, hoa dã quỳ phủ khắp nơi... khu du lịch này còn có những giá trị kiến tạo địa chất, bề dày văn hóa của người bản địa Tây Nguyên. Đây chính là tài nguyên du lịch có giá trị vượt trội mà không tiền bạc nào có thể kiến tạo. Nếu được phê duyệt thành khu du lịch quốc gia, vị thế của nơi này sẽ được nâng lên một bước, có khả năng thu hút thêm các nhà đầu tư để biến Biển Hồ-Chư Đăng Ya thành sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch Gia Lai và vùng Tây Nguyên”.

Ông Phan Xuân Vũ cho biết thêm: Không chỉ là điểm nhấn ấn tượng cho cung du lịch Tây Nguyên, khu du lịch này còn có khả năng kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế, du lịch lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Hơn nữa, với vị trí chiến lược, đây còn là điểm đến quan trọng nối biển với cao nguyên cũng như liên kết với hệ thống các tuyến du lịch trên “Con đường di sản Đông Dương” (Việt Nam-Lào-Campuchia).

Giấc mơ hoa cho du lịch

Thương hiệu du lịch Gia Lai sẽ được củng cố trên bản đồ du lịch nếu tỉnh có khu du lịch quốc gia. Đó chính là giấc mơ hoa cho ngành Du lịch. Với khả năng đáp ứng ít nhất 1 triệu lượt khách mỗi năm theo tiêu chuẩn của khu du lịch quốc gia, tổng thu từ khách du lịch ước tính sẽ vào khoảng 1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 3.500 lao động trực tiếp tham gia ngành Du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.

Cùng với việc được quy hoạch thành khu du lịch quốc gia, Khu Du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya sẽ được hưởng các lợi ích từ Luật Du lịch như được kêu gọi đầu tư, xúc tiến du lịch, đưa vào hệ thống quảng bá cấp quốc gia. “Tuy nhiên, trước mắt địa phương cần nỗ lực hết sức xây dựng những chuẩn mực văn minh trong du lịch để các cấp, các ngành và người dân đồng tình hưởng ứng. Trước khi được công nhận các danh hiệu, chúng ta còn nhiều việc phải làm để đây thực sự là điểm đến đáng nhớ, chất lượng từ cảnh quan đến dịch vụ và sự thân thiện của môi trường du lịch lẫn con người”-ông Phan Xuân Vũ nói thêm.

Không trông chờ một cách thụ động, ngành Du lịch tỉnh liên tiếp tổ chức các cuộc khảo sát, các đoàn famtrip với sự tham gia của nhiều công ty lữ hành, các nhà đầu tư nhằm đánh giá đầy đủ tài nguyên du lịch Gia Lai để có hướng khai mở các sản phẩm du lịch chất lượng. Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2017, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức ký kết hợp tác du lịch với 2 trung tâm du lịch lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp du lịch lớn để mở rộng thị trường và quảng bá rộng rãi hơn các điểm đến của Gia Lai. Mới đây nhất, đoàn famtrip gồm các doanh nghiệp du lịch lớn của Hà Nội đã có chuyến khảo sát các điểm du lịch phía Tây và có những đánh giá tích cực về tài nguyên du lịch của núi lửa Chư Đăng Ya-Biển Hồ. Các doanh nghiệp mong muốn sẽ quay lại khảo sát kỹ hơn trước khi quyết định đầu tư vào khu vực này. Một đoàn famtrip của TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ tới khảo sát khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya vào cuối tháng 7 tới đây theo lời mời của tỉnh.

 Minh Châu

Có thể bạn quan tâm