Xuất khẩu rau quả tăng tốc ngay đầu năm 2021 nhờ Trung Quốc mua nhiều. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cùng với sức lan tỏa của các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu rau quả năm 2021 được dự báo rất "sáng".
Kim ngạch xuất khẩu tăng
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu rau quả tháng 2/2021 ước đạt 300 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2021 đạt 610 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ tính trong tháng 1/2021, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam với 59,1% thị phần, đạt 182,9 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Làm thủ tục chiếu xạ để xuất khẩu thanh long sang Mỹ. Ảnh: P.V |
Việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu trái cây từ Việt Nam nhằm phục vụ cho lễ hội mùa Xuân là tín hiệu khả quan đối với ngành hàng rau quả của nước ta.
Dù vẫn đứng vị trí thứ nhất trong số các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã giảm xuống còn 59,1%, từ mức 61,7% trong tháng 1/2020.
Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khác, như Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan… tăng. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang các thị trường như Mỹ tăng từ 3,9% lên 4,3%, Thái Lan từ 5% lên 5,2%, thị trường Đài Loan từ 1,3% lên 2,9%...
Tín hiệu khả quan từ các FTAs
Với tín hiệu khả quan từ đầu năm 2021, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kỳ vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sẽ có một năm khởi sắc, bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Trong đó, thị trường chanh thế giới năm 2020 - 2021 dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động bởi dịch Covid-19. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo tiêu thụ và xuất khẩu chanh thế giới niên vụ 2020 - 2021 tăng do nhu cầu cao.
Đầu năm 2021, ngành hàng rau quả của Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng lớn khác, như: Ai Cập, Kuwait, Ukraina, Senegal...
Được biết, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã và đang chủ động chuẩn bị các mặt hàng, một mặt duy trì thị trường cũ, một mặt đẩy mạnh khai thác thị trường mới.
Trong năm 2021, một đối tác Nhật Bản đã ký hợp đồng với Doveco nhập khẩu 500 tấn rau quả chế biến, họ đánh giá chất lượng tốt, đồng thời khẳng định, nếu Doveco đáp ứng được năng lực và cách thức cung ứng phù hợp, thì trong những năm tới, họ sẽ nhập với khối lượng lớn hơn gấp nhiều lần.
Từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả xuất khẩu vào các nước EU được giảm về mức 0%.
Đây là điều kiện giúp nhiều sản phẩm trái cây là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… có thêm lợi thế tiếp cận thị trường EU.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính khi đặt ra các yêu cầu về chất lượng ngày càng cao, thậm chí tương đương với các tiêu chuẩn ở một số thị trường khó tính khác.
Đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng này, đồng nghĩa với việc nông sản Việt cũng đã đủ tự tin để đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như Mỹ, Nhật, Đức...
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA) hứa hẹn tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới. Khi Hiệp định có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%.
"Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường, trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với Anh quốc" - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
https://danviet.vn/moi-dau-nam-trung-quoc-da-vung-tien-mua-trai-cay-viet-xuat-khau-rau-qua-tang-toc-20210312162133978.htm
Theo Khánh Nguyên (Dân Việt)