Bạn đọc

"Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku cho đến giây phút này vẫn bình an trước dịch Covid-19, dẫu vẫn xen lẫn lo lắng, xôn xao khi đã có chỗ này chỗ nọ được xác định nguy cơ, để rồi người Pleiku lại thở phào nhẹ nhõm khi kết quả xét nghiệm được công bố là âm tính. Cái lo lắng của người dân Phố núi một phần là đang chia sẻ cùng những mất mát của nhân loại và của cả nước khi đang phải oằn mình chống chọi vì sự bình an của mỗi gia đình. Sẽ sai lầm nếu cứ an nhiên tự tại vì cho rằng... đã có gì đâu! May thay, cộng đồng dân cư Phố núi đã tuân thủ khá nghiêm túc những gì cần làm.
1. Hơn 20 năm nay, một thói quen khó bỏ đã đeo đẳng tôi mỗi sáng, đó là phải có một ly cà phê đen nóng, ngồi cùng vài người bạn già có trẻ có, nói những câu chuyện đời thường xôn xao góc quán. Nó đã trở nên không thể thiếu, đến nỗi khi chuyển chỗ cư trú cách đây 3 năm, từ nhà mới ra góc quen ấy phải đi những 6 cây số nhưng tôi vẫn cứ có mặt mỗi ngày từ sớm. Một niềm vui rất riêng mà cũng rất chung, khi chỉ thiếu vắng dù một vài ngày, anh em bạn bè đã liên lạc thăm hỏi vấn an, hỏi cho ra lý do vắng mặt. Có lẽ những người bạn tại góc cà phê ấy cũng đã thành tật giống tôi. Đúng như câu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một ca khúc được ông sáng tác vào năm 1977: “Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi/Đường đến anh em đường đến bạn bè” (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui).
Và đến giờ, khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cách ly toàn xã hội trong 15 ngày bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-4 để quyết liệt phòng-chống dịch Covid-19, tôi lại không thể không liên tưởng đến một câu đầy ý nghĩa khác, cũng trong bài hát này: “Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình/Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/Vì đất nước cần một trái tim…”.
 Một số quán cà phê trên địa bàn TP. Pleiku chấp hành nghiêm quy định tạm thời đóng cửa. Ảnh: QUANG TẤN
Một số quán cà phê trên địa bàn TP. Pleiku chấp hành nghiêm quy định tạm thời đóng cửa. Ảnh: QUANG TẤN
Trước đó, ngày 28-3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra chỉ thị đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, trong đó có quán cà phê. Dù ai cũng đã lường trước tình huống, nhưng cái gì đã thành thói quen thì cứ cảm thấy đột ngột và khó chịu khi phải rời bỏ. Vậy mà đã qua một tuần. Chuyện cứ phải ở nhà trong một thời gian dài tưởng chừng không thể, vậy mà lại thành… có thể. Nếu không có những lý do chính đáng, tôi không bước chân ra khỏi nhà. Một thói quen hình thành vài chục năm mà chỉ vài ngày là có thể thay đổi, cũng đáng gọi là kỳ công lắm chứ. Không còn ly cà phê sáng ở góc quen, không còn tụm năm tụm ba đủ chuyện trên đời. Thế mà lại rất nhanh, chỉ vài ngày đã thấm và tâm đắc một khung cảnh khác nhưng không lạ: ly cà phê khác vị, chỗ ngồi dưới mái hiên nhà mình đón những tia nắng ban mai, vài sắc hoa của thì xuân muộn, tiếng chim hót ríu rít đầu cành. Một cô bạn, chân cũng hay đi lắm, sau 2 ngày cuối tuần không ra khỏi cửa đã thừa nhận rằng “Thì ra ở yên một chỗ không khó”. Tôi rất đồng ý về điều đó. Tất nhiên, sẽ không thể có niềm vui trọn vẹn khi đầu ngày bên ly cà phê phải thấy những con số thống kê buồn của đại dịch.
2. Khi những quy định cần thiết để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch Covid-19 được ban hành, tôi đã nghe những lời than thở về mọi thứ liên quan đến cuộc sống thường nhật. Có thể hiểu, thông cảm cái khó khăn khi không còn “một ngày như mọi ngày”. Tất cả mọi thứ sẽ đảo lộn, nó không chỉ đơn giản là tạm dừng thói quen cà phê sáng như tôi, tạm dừng một thói quen đi bộ trong công viên mỗi chiều của nhiều người, tạm dừng chiều cuối tuần cùng gia đình nhỏ ở một quán kem, ở một nhà hàng nào đó. Đây là một cái nhấn vào nút “pause” (tạm dừng) buộc phải làm mà những người có trách nhiệm vạn lần không mong muốn. Khi nghĩ đến sinh mạng của chính mình, người thân bạn bè, nghĩ về sự bình an của đất nước sẽ thấy sự đánh đổi nhẹ bẫng đi nhiều lắm.
Rồi sẽ một ngày, cái tên Covid-19 thành quá khứ, cuộc sống trở lại như vốn dĩ. Chúng ta mong thế và sẽ phải như thế. Tất cả phụ thuộc vào từng cá nhân trong cộng đồng với ý thức tự giác và trách nhiệm xã hội. Lúc đó, chúng ta sẽ cùng khởi động lại, nhưng trước mắt cứ hãy như một lời dặn dò của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rằng hãy “ngồi thật yên”.  
Tôi có cảm tưởng đó là một dự báo trong sáng tác của ông. Và, thật trùng hợp khi ngày 1-4 năm nay cũng là dịp kỷ niệm 19 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa. Sẽ chẳng có những chương trình tưởng niệm rộn ràng như mọi năm. Nhưng tôi tin rằng, mỗi người sẽ thấy ý nghĩa hơn bao giờ hết khi từ lòng mình cất lên những câu hát thấm đẫm nhân sinh, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước ấy: “Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình/Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/Vì đất nước cần một trái tim…”.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm