Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Mối nguy từ bóng cười

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có không ít khuyến cáo về tác hại khi sử dụng bóng cười nhưng nhiều người trẻ vẫn tìm đến để 'phê' cùng những 'quả bóng'.
Bóng cười luôn xuất hiện trong những cuộc vui của một bộ phận giới trẻ hiện nay
Bóng cười luôn xuất hiện trong những cuộc vui của một bộ phận giới trẻ hiện nay
Tối cuối tuần những ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm đến một số địa điểm được giới trẻ truyền tai nhau là nơi “chơi bóng cười” lý tưởng.
Tại quán N. (đường Tôn Thất Đạm, Q.1, TP.HCM), bình khí cười được đặt ngay lối ra vào ẢNH: PHẠM HỮU
Tại quán N. (đường Tôn Thất Đạm, Q.1, TP.HCM), bình khí cười được đặt ngay lối ra vào ẢNH: PHẠM HỮU
Gọi là có liền
Đó là quán N. nằm trên đường Tôn Thất Đạm (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM). Quán N. nằm trong tầng hầm của một tòa nhà, phía trên là các văn phòng cho thuê. 21 giờ, dù chưa đến giờ “đỉnh” nhưng đã có một vài thanh niên đến quán để “chơi bóng”. Nơi đây, giới thiệu là quán coffee lounge, bán các loại bia, rượu pha chế, nhưng thực tế nhiều tay chơi trẻ chỉ đến với mục đích hút bóng cười.
Tôi từng điều trị cho 2 bệnh nhân nữ chơi bóng cười đến khám vì không mang được dép. Do họ chơi lâu ngày nên tay chân đều bị tê không có cảm giác
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP.HCM
Bước chân vào quán, nhân viên lập tức đưa menu (bảng chọn) giới thiệu các loại thức uống trong quán. Đặc biệt ngay trong bảng chọn món còn để cả bóng cười với nhiều mức giá khác nhau. 1 bóng cười lớn có giá 70.000 đồng. Nếu khách gọi phần kết hợp 10 bóng có giá 650.000 đồng. Cứ thế phần kết hợp tăng dần từ 20 quả có giá đến 1,2 triệu đồng, hoặc 50 quả giá lên tới 2,5 triệu đồng. Nếu khách gọi bóng, nhân viên lập tức bơm bóng cười từ bình khí được đặt ngay tại lối ra vào. Theo quan sát, trong khoảng 30 phút, hàng loạt quả bóng cười được bơm liên tục để phục vụ.
Hàng chục quả bóng cười đã qua sử dụng nằm lăn lóc trên bàn
Hàng chục quả bóng cười đã qua sử dụng nằm lăn lóc trên bàn
Phía ngoài là một thanh niên trẻ ngồi tự bao giờ với trái bóng trên miệng. Trên bàn là hàng chục bóng cười đã qua sử dụng nằm lăn lóc. Lắm lúc thanh niên đi tới lui trong quán bấm điện thoại nhưng trên miệng vẫn ngậm bóng cười. Vừa đi loạng choạng vào nhà vệ sinh, thanh niên này cho biết chỉ mới đến quán được khoảng 1 tiếng những đã hút gần 20 bóng cười nên cảm thấy hơi choáng váng. Tuy vậy, bao nhiêu đó vẫn chưa đủ “đô”, trung bình mỗi lần chơi ở đây “đô” của thanh niên này phải lên đến 40 bóng cười.
Tương tự vào tối 27.6, chúng tôi đến quán H. nằm trên tầng cao của một tòa nhà khu vực Công trường Quốc tế (góc đường Trần Cao Vân - hồ Con Rùa, P.6, Q.3, TP.HCM), nơi được giới trẻ rỉ tai là nơi “hot” nhất để vui chơi và có bán bóng cười. Hơn 22 giờ, không khí trong quán khá đông đúc. Những bạn trẻ mặt non choẹt đến đây ngoài say sưa với rượu, bia còn hút cả bóng cười để tìm sự hưng phấn. Những bóng cười này được bơm trực tiếp từ 2 bình khí đặt ở trước cổng ra vào và dễ dàng nhìn thấy.
Nhiều người trẻ say sưa hút bóng cười trong một quán pub ở Q.3, TP.HCM
Nhiều người trẻ say sưa hút bóng cười trong một quán pub ở Q.3, TP.HCM
Đi tìm hưng phấn ?
Qua quan sát, cứ khoảng 15 phút, hàng chục quả bóng cười được nhân viên mang vào cho khách yêu cầu. Trung bình nhân viên mang từ 3 - 4 quả cho một nhóm bạn trẻ chơi cùng bàn trong quán. Đến gần 0 giờ, những gương mặt trẻ ăn mặc sành điệu đến quán càng đông, đồng nghĩa với việc bóng cười sẽ được bơm ra bán nhiều hơn. Một số cô gái trẻ hưng phấn hơn mỗi khi trên miệng vừa ngậm bóng vừa nhún nhảy theo điệu nhạc trong quán. Cứ thế cuộc chơi với bóng cười của bạn trẻ kéo dài đến tận 1 - 2 giờ sáng hôm sau mới về.
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (TP.HCM), cho biết chất N2O trong bóng cười không phải là chất cấm, mà nó thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (theo quy định tại phụ lục 2 của Nghị định 113/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn luật Hóa chất). Việc sản xuất, kinh doanh chất này cần phải có giấy phép.
Nếu xác định các chủ thể kinh doanh loại hàng hóa này không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hiệu lực, thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 7 Nghị định 185/2013 với số tiền phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Hiện nay việc mua bán và sử dụng bóng cười vẫn chưa được luật pháp quy định chặt chẽ, trong khi đó việc sử dụng bóng cười để lại hậu quả rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Chia sẻ với chúng tôi, T., một cô gái thường chơi bóng cười, cho biết việc mua bóng cười hiện nay không khó. Chỉ việc đến những bar, pub, coffee lounge sẽ tìm thấy dưới nhiều hình thức. Mỗi khi T. đi chơi với những nhóm bạn thì sẽ kêu bóng cười tại quán để hút. Mỗi người một quả mạnh ai nấy hút rồi “sướng”.
Còn Đ., cô gái trẻ thuộc dạng sành chơi bóng cười, cho biết việc chơi bóng cười của cô diễn ra thường xuyên vào mỗi tuần. Khi nhóm bạn tụ tập hoặc có khi một mình Đ. tìm đến các quán dành cho giới trẻ ở trung tâm TP.HCM để chơi bóng. Theo Đ., chơi vài bóng thì rất khó chịu, “đô” của Đ. phải hút khoảng 10 bóng cười, mỗi khi chơi mới cảm thấy thích.
Chơi bóng cười khá tốn kém, trung bình Đ. phải bỏ ra khoảng 1 triệu đồng khi chơi riêng lẻ. Nếu đi theo nhóm bạn, Đ. có thể bỏ ra khoảng 7 - 8 triệu đồng cho một lần vui chơi.
 
Nhiều hệ lụy khi sử dụng lâu dài
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết bóng cười là một dạng khí được bơm vào bong bóng. Thông thường người sử dụng không thể hút trực tiếp từ bình khí mà phải hút thở thông qua bong bóng để không bị phỏng lạnh. Khí cười (tên khoa học là N2O) hiện được sử dụng trong y học để gây mê. Khí cười mà giới trẻ sử dụng là khí cười phi y tế. Khi sử dụng khí cười N2O sẽ cho cảm giác êm dịu, sảng khoái, lâng lâng đầu óc chứ hoàn toàn không cười sặc sụa. Theo bác sĩ Hiển, khí cười vẫn gây một số tác hại nhất định, tuy không bằng heroin và hàng đá, thuốc lắc nhưng cũng mang đến nhiều hệ lụy nếu sử dụng trong thời gian dài. Đó là bị tê các đầu chi, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và suy giảm trí nhớ, thiếu hụt vitamin B12 và có thể gây thiếu máu. Nếu sử dụng chung với các chất kích thích khác có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu hút trong thời gian dài, người chơi có nguy cơ bị nghiện.
“Tôi từng điều trị cho 2 bệnh nhân nữ chơi bóng cười đến khám vì không mang được dép. Do họ chơi lâu ngày nên tay chân đều bị tê không có cảm giác. Ngoài ra, có một ca được tôi điều trị cách đây khoảng 3 tháng. Tôi phải cho thanh niên đó nhập viện để cai bóng cười bởi vì anh này không thể ngưng sử dụng bóng. Một đêm trung bình người này hút từ 100 - 200 bóng, trong vòng 6 tháng đã tiêu tốn 1,5 tỉ đồng”, bác sĩ Hiển kể lại.
Theo Phạm Hữu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm