Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mỗi tháng tư về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi tháng tư về, cha tôi lại mở tủ quần áo, mân mê bộ quân phục đã bạc màu thời gian và những tấm huân-huy chương thắm đỏ trên ngực áo. Ấy là cha chuẩn bị cho cuộc gặp mặt đồng đội cũ một thời vào sinh ra tử. Nhìn cha, nhiều khi tôi tưởng như, trong quãng thời gian 365 ngày của năm, mọi hành động và nghĩ suy, cha chỉ như dành riêng để chờ đợi ngày hội ngộ này. Những ngày tháng tư này trông cha lạ hẳn, đứng ngồi chẳng yên một chỗ, đi ra đi vào như có ý ngóng chờ ai.

Người già, lại đi qua chiến tranh lửa đạn, chẳng đêm nào cha tròn giấc ngủ khi ký ức luôn chập chờn. Năm nào cha cũng đợi chờ đến ngày được khoác lên mình bộ quân phục cũ, nghiêm trang và cẩn trọng, cha vuốt từng nếp áo quần thật phẳng phiu, chỉnh sửa mãi vị trí những huân-huy chương cho ngay ngắn và hình như trông cha trẻ hẳn lại. Tôi thấy gương mặt cha, ánh mắt cha thật sự mừng vui khi được gặp lại đồng đội cũ. Tay bắt mặt mừng, những người lính già ôm chầm lấy nhau rưng rưng xúc động. Mỗi năm cuộc gặp ấy được tổ chức ở một nơi và mỗi năm, người dần thêm thưa vắng.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Những câu chuyện được nối nhau râm ran, nhưng tuyệt nhiên không thấy họ, những người lính già ấy, nói với nhau về bệnh tật. Dù thân thể họ, hầu như không ai là không có bệnh, người may mắn không bị những di họa của chiến tranh thì cũng là bệnh tuổi già. Họ chỉ nói về kỷ niệm, bởi những kỷ niệm ấy chất chứa những ngày tháng tươi đẹp nhất cuộc đời, tràn trề ý chí, tin yêu và nhiệt huyết tuổi thanh xuân. Tôi đã nghe đến thuộc lòng những câu chuyện của cha tôi, ông không chỉ kể về mình, ông kể rất nhiều về đồng đội.

Những câu chuyện của ông khiến một đứa trẻ không có một chút khái niệm về chiến tranh như tôi nhập tâm và hoàn toàn có thể hình dung từng nhân vật. Ngày còn nhỏ, tôi nghĩ họ phải là những người dáng vóc to lớn, khác thường, có khả năng đi mây về gió hoặc làm những việc phi thường tương tự thế. Cho đến khi được cha dẫn theo, gặp họ, người cụt chân, người thiếu tay, người hỏng mắt,… tất cả trông nhỏ thó và khắc khổ hệt cha tôi, tôi bật khóc. Khóc, không phải vì hình ảnh thần tượng sụp đổ, mà thương họ quá, như tình thương cha tôi khi sống cùng những vết thương cả thể xác và tinh thần của ông từ khi tôi có mặt trên đời.

Tháng tư về, tôi rong ruổi cùng mẹ ở một nghĩa trang ngập tràn nắng gió tận biên giới xa xôi, với hy vọng mong manh là tìm được cho mẹ người anh đã nằm lại một nơi nào đó ở bạt ngàn những nghĩa trang trên đất nước này. Hễ nghe phong thanh một thông tin gì đó, mẹ lại hối hả thúc giục tôi thu xếp công việc để đưa mẹ lên đường, dẫu chỉ có một tia hy vọng rất mong manh. Chao ôi! Có nơi nào trên trái đất này nhiều nghĩa trang liệt sĩ như quê hương tôi không? Lớp lớp những ngôi mộ nằm xếp hàng thẳng tắp, rất nhiều trong số ấy, trên tấm bia chỉ khắc đôi dòng chữ nhỏ nhưng luôn khiến tất cả những ai một lần đến đều thấy lòng nặng nỗi suy tư: “Liệt sĩ chưa xác định được danh tính”.

Ai sinh ra trên đời cũng có tên chứ, cái tên được cha mẹ đặt cho với bao nhiêu yêu thương và kỳ vọng: Hùng, Cường, Mạnh, Đạt… Vậy mà khi nằm xuống, tên tuổi các bác, các chú đã hòa vào với đất mẹ. Nắng tháng tư bắt đầu gay gắt, cây pơ lang phía cổng nghĩa trang còn vài bông lác đác đỏ như cố níu mình lại mà thắp lên cùng nắng, sưởi ấm những anh linh.

Tháng tư này, tôi vừa đọc xong một quyển sách viết về chiến tranh. Chân dung chiến tranh hiện lên chân thực và sinh động qua lời kể của chính những người trong cuộc. Đọc sách, tôi mới biết cha tôi, trong những câu chuyện kể với tôi, đã nói giảm nói tránh đi rất nhiều phần, vì ông biết tôi đa sầu đa cảm. Gấp lại những trang sách đã rất nhiều ngày rồi nhưng những câu chuyện không thể dứt ra khỏi đầu tôi. Cơm tôi ăn, áo tôi mặc, con đường nở đầy hoa dại hàng ngày tôi đi qua đã được đánh đổi bằng xương máu của bao nhiêu thế hệ đi trước. Ngay trên mảnh đất tôi đang sinh sống đây thôi, một thời đạn bom cũng ác liệt biết chừng nào. Bom đạn đến độ một người lính ngâm mình trong nước suối trong vắt ban mai mà lăn trào nước mắt, bởi không tin nổi lại có những phút giây bình yên đến thế!

Tôi biết ơn mỗi tháng tư về, biết ơn bộ quân phục ngả màu của cha, biết ơn những nẻo đường rong ruổi trong những dịp hiếm hoi cùng mẹ, biết ơn đóa pơ lang đỏ thắm lẻ loi bên cổng nghĩa trang, biết ơn trang sách thơm mùi giấy mới vừa đọc, biết ơn mỗi phút giây yên bình tôi được sống. Tất cả giúp tôi hiểu và biết trân quý mỗi ngày trôi qua trong cuộc đời này…

Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm