Phóng sự - Ký sự

Một chút Vinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một hoa giáp - tròn 60 năm, đời người cũng như một địa phương, một vùng đất nên làm cái việc tạm tổng kết, nhìn ngó lại? Dịp Vinh 60 năm thành lập (Kỷ niệm ngày 10/10/1963, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 148 - CP về việc thành lập thành phố Vinh) bạn bè kêu vô Vinh, mắc việc không vô được. Mạo muội, ngoảnh và nghĩ một chút về Vinh!

Tôi đang hình dung dịp này các nhà chức việc Thành Vinh đương tái tạo một quá vãng Vinh trước thời điểm năm 1960 ấy? Những mô hình, tranh tượng, tiêu bản, sách báo cùng những bộ phim 3D chẳng hạn? Những cách nhắc nhớ khôn & khéo ấy ngõ hầu làm giật mình lớp hậu sinh thành Vinh để họ khỏi bẵng đi một giai đoạn thiên thời địa lợi... Rằng đã từng có một thành Vinh xôm tụ phát đạt!

Chọn, trưng ra cảnh gì thì tùy. Nhưng dứt khoát phải có sự kiện năm 1804, Gia Long giao cho Tả quân Lê Văn Duyệt chuyển lỵ sở Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch về Vinh. Rồi cái hình năm 1905, khánh thành ga Vinh. Người Nghệ có đường xe lửa thông thương với Hà Nội. Cảnh ra đời sân bay Vinh năm 1920. Và thể nào chả có sự kiện 25/4/1933 có tới 21 chiếc phi cơ cùng hạ xuống sân bay Trường Thi.

Một góc Vinh mới

Vinh của trước 1945 là một trung tâm công nghiệp với Diêm Bến Thủy, Điện Vinh, Gỗ Vinh, Thịt hộp Lapique, Xe lửa Trường Thi… Sản lượng điện mà Vinh tiêu thụ năm 1936 lớn gấp đôi Đà Nẵng, gấp 5 lần Quy Nhơn, gấp 10 lần Hội An và gấp 6 lần Lào. In ấn cũng phát triển tới mức cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu phải ôm bản thảo vào Vinh in ở nhà in tư Vương Đình Châu.

Không chỉ có các cơ sở kinh tế, xét thấy “xứ Nghệ là đất học”, một năm sau đợt thi Hương cuối cùng, năm 1920, Trường Quốc học Vinh ra đời. Trước khi ra Hà Nội học, học giả Hoàng Xuân Hãn từng học ở đây. Ở Vinh lúc ấy có cả nhà thương cho người Âu có cả nhà thương cho người bản xứ, có tòa án dân sự.

Năm 1940, Vinh có 20.000 dân, thì có 481 người Âu, 38 người Ấn, hàng ngàn người Hoa [Dân số Vinh hiện gấp 17 lần nhưng hầu như không có ngoại kiều định cư. Nhưng biên ra cho vui nhé, trong 31.000 dân ngoại (tỉnh) kiều, dân Hà Tĩnh chiếm 76,41%]. Trước năm 1945, Vinh có 235 công sở, 324 tòa nhà cao tầng, 1.263 nhà dân. Tất cả đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp và châu Âu. (Dẫn theo tài liệu của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần).

Bến Thủy năm xưa

Không phải tất cả sự phồn vinh ấy là của thực dân. Môi trường tự do kinh doanh ở Vinh đã giúp nhiều người Việt thành đạt trên rất nhiều lĩnh vực. Năm 1925, một người Việt, ông Phạm Văn Phi, nhà tư sản thành Vinh đã có 43 ô tô các loại, kinh doanh trong lĩnh vực vận tải.

Có lẽ vì nóng vội riệt những công trình của quá vãng là của thực dân phong kiến mà đâu biết nó từng kết tinh tài khéo và nhuốm phần hồn cốt tâm linh người Nghệ? Tiếc xót (bom Mỹ, đạn Pháp phá ít mà ta phá nhiều) người ta đã hơi bị quá tay với những công trình văn hóa như Võ Miếu, Văn Miếu, nhà thờ Cầu Rầm, chùa Diệc, chùa Cần Linh, chùa Tập Phúc, Thành cổ Vinh… Nhiều thứ nay chỉ còn phế tích.

Tôi có vào trang Facebook của Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Lê Doãn Hợp quê xứ Nghệ. (Chẳng hay ông thống kê và kể lại những con số này để tiếc hay để… tức đây?)

“Trước 1945, nền báo chí Vinh phát triển mạnh với 17 tờ báo, 2 tạp chí của người Việt, người Hoa và người Pháp… hoạt động rất chuyên nghiệp và sôi động. Vinh là một thành phố đa sắc màu văn hóa”.

Lưu giữ nhắc nhớ một quá vãng Vinh vật thể (mô hình, ảnh, tiêu bản trích đoạn…) cũng là những cú hích kích thích niềm tự hào và cả… tự ái nữa để lớp trẻ Thành Vinh can dự mạnh bạo vào công cuộc quản trị, đổi mới?

Quần thể Khu chung cư mang tên Quang Trung (KCCQT) gồm ba khu với 21 nhà 5 tầng; sáu nhà khu A - từ A1 đến A6; sáu nhà khu B - từ B1 đến B6 và chín nhà khu C - từ C1 đến C9. KCCQT tọa lạc trên diện tích hơn 17 ha phục vụ cho 1.556 hộ dân sinh sống. Lúc bấy giờ được vào ở tại KCCQT là niềm mơ ước của bao người thời bao cấp.

PGS Ninh Viết Giao (trái) và GS Trần Văn Giàu

Hiện nay, sau hơn 40 năm đưa vào sử dụng, KCCQT đã xuống cấp buộc phải phá dỡ để xây mới. Ba nhà đầu tư cộm cán đã và đang lần lượt biến KCCQT thành những tòa nhà hiện đại 15-20 tầng trong tổng thể một thành Vinh khang trang.

Nhưng Vinh đã có một cử chỉ cảm động. Ấy là giữ được một phần góc KCCQT cũ. Phần để nhớ ơn nghĩa hiệp của người anh em CHDC Đức 40 năm trước. Phần như sự nhắc nhở hối thúc và cả sự đối chứng nữa rằng, thành phố Đỏ phải quyết liệt dứt khoát Công nghiệp hóa Hiện đại hóa!

Kèm đó cũng phải cần, phải kể đến những mảng, dạng phi vật thể nữa chứ? Ấy là những ca dao hò vè những dạng phôn cờ lo (folklore). Cũng về một quá vãng Vinh về một thời gian khó… Hồn cốt bầu lên những thứ phôn cờ lo ấy, tác giả dẫu vô danh nhưng phi cái tài giễu nhại, trào lộng, thâm thúy “Giễu mình mà cứ như không có mình” (thơ Nguyễn Duy) phi hậu duệ của các ông Đồ Nghệ thì khó ai có thể mần được! Cái thời cả nước chiêng chao bao cấp túng đói. Mà Vinh, mà xứ Nghệ gần như tọa độ, tụ điểm. Một chuyến công cán, tôi có thời gian nằm lâu lâu ở Vinh. Và nhặt được vô số câu rành tài rành hay trong đó có cái thần tình trong thể đối mà đám hậu duệ của các cụ Đồ Nghệ như có dịp phát tác?

Năm tám mươi (1980) giá gạo tám mươi (80 đồng /cân) dân Xứ Nghệ mặt vàng như nghệ/ Năm Con Khỉ, mặt nhăn như khỉ, ở Thành Vinh mà chả được vinh!

Nghĩ đến giá trị phôn cờ lo của một hoa giáp Thành Vinh, cứ lẩn thẩn thêm về một người xứ Thanh quê tôi. Một người xứ Thanh nhưng thành danh ở xứ Nghệ! Đó là thầy giáo, chuyên gia văn học dân gian Ninh Viết Giao. Từng được thụ giáo với các thầy Trần Văn Giàu, Trương Tửu, Đào Duy Anh… ở lớp dự bị đại học ở Thanh Hóa thời gian kháng chiến chống Pháp rồi sau này tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội; anh giáo trẻ Ninh Viết Giao đầu những năm 60 trùng với thời điểm Chính phủ cho thành lập thành Vinh thì được phân về Vinh dậy học. Cứ nghĩ chốc nhát, phải vô công tác ở Vinh thì cũng một vài năm (Ai vô xứ Nghệ thì vô/ Còn choa choa cứ Thủ đô choa viền (về). Lạ cái, xứ Nghệ nghèo khó lại có duyên lành với anh giáo Ninh Viết Giao. Một năm rồi vài năm qua đi. Rồi xuyên, rồi vắt từ cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, thầy Ninh Viết Giao vẫn trụ lại ở Vinh ở xứ Nghệ.

Năm xa ấy, 2003, tôi ngồi với PGS Ninh Viết Giao tại căn hộ của gia đình ông ở Khu tập thể Quang Trung của Thành Vinh sau thời điểm ông nhận Giải thưởng Nhà nước (Đợt I) với cụm công trình Hát phường vải; Về văn học dân gian xứ Nghệ; Địa chỉ văn hóa Quỳnh Lưu. Ông bộc bạch, phải cảm ơn quyết định sáng suốt của Tỉnh ủy Nghệ An đã kịp thời điều chuyển thầy giáo Ninh Viết Giao không phải dạy học nữa mà được làm cái công việc thầy yêu thích là được đi khắp các vùng quê xứ Nghệ để sưu tầm văn học dân gian.

Một biệt lệ. Một đặc ân thời ấy.

Bởi không ít lần ở Nam Đàn, ở Nghi Lộc rồi Đô Lương cả xứ mạn ngược Nghệ, những Con Cuông Mường Xén… Bom đạn mù trời. Giăng mắc nơi nơi những bí mật phòng gian này khác mà có cái anh người trăng trắng lại không nói tiếng Nghệ như “bày choa- chúng ta” mà cứ la cà khắp nơi thôn cùng xóm vắng gặp gỡ, hỏi han những cụ ông cụ bà ghi chép khai thác những ca dao hò vè phường vải ví dặm gợi nhớ một thời xưa cũ. Đôi khi những hỏi han ghi chép ấy lại toàn phê phán kẻ quyền thế. Rồi chuyện tình cảm lứa đôi mà toàn những thứ trắc trở, nhỡ nhàng, lầm lạc chia ly tan tác…

Rứa là mau chóng, người ta điệu cổ cái người có hành tung như gián điệp ấy lên xã lên huyện. Phải hơn cả chục lần phiền phức lôi thôi như thế.

Mãi đến những năm yên hàn, thiên hạ mới biết, mới thẩm, thấm được giá trị và phổ biến sâu rộng những công trình Folklore của nhà nghiên cứu ấy.

Nhà phê bình văn học Ngô Thảo đã viết về ông thầy Ninh Viết Giao của mình như này:

“Cho đến nay cả nước có một người am hiểu sâu rộng và làm được nhiều nhất trong việc khai thác các thứ quặng phi vật thể trong lòng người dân xứ Nghệ rồi sắp đặt hệ thống tạo nên hình thù rõ ràng đường nét phân minh của đời sống tâm hồn tình cảm, tính cách của dân xứ Nghệ. Đó là ông giáo Ninh Viết Giao”.

Rồi những công trình nghiên cứu, những luận văn Tiến sĩ đã tiếp cận những góc độ sắc thái khác nhau của hơn 40 tác phẩm và núi tư liệu suốt nửa thế kỷ của Ninh Viết Giao.

Nhà nghiên cứu ấy nay đã về cõi. Nhớ ông, tôi chợt xin mạo muội cái điều mà không sợ sái rằng, một trong những thành tựu mần nên điểm sáng của thành Vinh về văn hóa trong một hoa giáp phát triển ấy là 40 cuốn sách - công trình của PGS Ninh Viết Giao về văn hóa dân gian. Và không thể không tính đến quyết định sáng suốt của lãnh đạo thời ấy là đã tạo điều kiện để thầy giáo Ninh Viết Giao được làm cái việc mình thích và trở thành nhà nghiên cứu sáng giá sau này!

Và nữa, trong Quỹ danh nhân để đặt tên đường, Hội đồng Nhân dân thành Vinh cũng chớ lần chần mà nên biên thêm cái tên Ninh Viết Giao!

Lần vô Vinh mới nhất, tôi có dịp lang thang trên con đường mới mang tên một vị từng là Chủ tịch, Bí thư Nghệ An. Rồi Bí thư Nghệ Tĩnh. Ông Nguyễn Sĩ Quế.

Năm xa ấy, lần đầu lũ chúng tôi được giáp mặt với một ông quan đầu tỉnh. Một vị tầm cấp trung ủy. Vậy mà người nhỏ thó. Giọng rặc Nghệ!

Ông Quế chia xớt cái bọc kẹo cuđơ đặc sản cho đám chúng tôi khi ông ghé vô Mễ Trì thăm cô con gái Thu Hà đang học ở Khoa Văn ĐHTH.

… Bây chừ đứng trước con đường mang tên ông, không chỉ nhớ đến cái vị ngọt hắc của thứ kẹo cu đơ thuở ấy! Mà tui đương gẫm, đương nhớ thêm thứ đắng đót của một vùng đất, một miền quê thời gian khó.

Nhớ lại, chẳng phải để riết róng lẫn phiền trách? Mà cùng bung, xõa các cung bậc cười. Tôi mạo muội coi đó là cái cách để vui vẻ tạm biệt một quá vãng nhọc nhằn lẫn vị tha nhẹ lòng khi cùng nhắc đến câu thành ngữ “mạ vô sân dân vô rú… đ. vô vòng”

Cùng câu hát chế này nữa “Nghệ Tĩnh mình ơi ai… xui dại cũng mần…”.

Có thể bạn quan tâm