Phóng sự - Ký sự

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Là họa sĩ sơn mài, chọn phát triển đường nghề theo chuyên ngành hẹp là sơn ta, cộng với nền tảng xuất thân từ làng nghề khảm trai cổ xưa Chuôn Ngọ (Hà Nội), họa sĩ Nguyễn Xuân Lục hội tụ nhiều thế mạnh của người thợ làm nghề, cùng tư duy sáng tạo của người làm nghệ thuật.

Gặp lại Nguyễn Xuân Lục trong một không gian ấm cúng ở khu Thảo Điền (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nơi anh cùng các bạn văn nghệ tổ chức một cuộc chơi nho nhỏ giới thiệu về nghệ thuật sơn ta, các chất liệu cho nghề sơn và sơn mài, đem sơn ta vào đời sống hằng ngày ở góc tiếp cận giản đơn, dễ ứng dụng.

Gắn mảnh vỡ gốm sứ ở Nhật Bản còn được đẩy lên thành nghệ thuật, gọi là Kinstugi
Gắn mảnh vỡ gốm sứ ở Nhật Bản còn được đẩy lên thành nghệ thuật, gọi là Kinstugi
Vết bể vỡ càng dị dạng, khi nối lại món đồ càng thêm đẹp
Vết bể vỡ càng dị dạng, khi nối lại món đồ càng thêm đẹp
Công đoạn chà nhám, tạo kẽ hở trên mảnh vỡ để nét thếp thêm đẹp
Công đoạn chà nhám, tạo kẽ hở trên mảnh vỡ để nét thếp thêm đẹp

Những đúc kết khúc chiết, dễ hiểu, dễ cảm, cùng sự khác biệt về nghệ thuật sơn ta và nghệ thuật sơn mài, cả những so sánh về nguyên liệu cây sơn Phú Thọ và phẩm sơn các nước trong khu vực để chứng minh vì sao nghệ thuật sơn ta - sơn mài Việt lại có những khác biệt cả về chất liệu lẫn tính nghệ thuật… là những kiến thức bổ ích được giới thiệu đậm nét trong buổi giao lưu.

Ở phần ứng dụng, họa sĩ Nguyễn Xuân Lục phổ biến đến bằng hữu một kỹ thuật quen thuộc trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc. Kỹ thuật sơn thếp đã được ứng dụng từ ngàn xưa, trong nghệ thuật tượng thờ, rồi đến kiến trúc cổ mà nay vẫn tồn tại. Tận dụng sự kết dính của chất sơn, họa sĩ Nguyễn Xuân Lục đem sơn ứng dụng vào đời thường. Những món đồ bể vỡ trong gia đình như chén bát, bình bông, thủy tinh… sẽ được gắn kết lại, sau đó thếp lên vết nứt vỡ một lớp quỳ vàng hoặc quỳ bạc, món đồ trở nên liền lạc, vẫn mang công năng sử dụng, nhưng đẹp một vẻ khác biệt, duy nhất, không có sự lặp lại.

Ngoài sơn ta, cũng có thể dùng keo công nghiệp gắn kết sản phẩm trước khi thếp
Ngoài sơn ta, cũng có thể dùng keo công nghiệp gắn kết sản phẩm trước khi thếp
Công đoạn thếp quỳ bạc lên nét vỡ
Công đoạn thếp quỳ bạc lên nét vỡ
Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục giới thiệu về các chất liệu trong nghề sơn
Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục giới thiệu về các chất liệu trong nghề sơn

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục chia sẻ: "Tôi muốn chỉ ra tính ứng dụng của sơn ta, mọi người khi hiểu nguyên lý đều có thể tự thực hiện, tự gắn kết hoặc vá lành các món đồ bể vỡ trong nhà như một cách giải trí, tiêu khiển khi nhàn rỗi. Nhiều món đồ kỷ niệm, chỉ nứt hoặc mất mảnh nhỏ, bỏ đi thật tiếc, trưng bày thì không ổn, nghệ thuật sơn thếp xử lý khiếm khuyết để món đồ đẹp, hoàn hảo, tăng thêm tính nghệ thuật cùng giá trị sử dụng".

Chén bát khi bể vỡ, tạo nên các đường rạn nứt khác biệt, ngẫu nhiên. Khi đường chỉ nứt ấy được làm nổi bật lên bằng lớp quỳ vàng hay quỳ bạc, món đồ đơn giản bỗng trở nên có điểm nhấn, phô diễn một nét đẹp mới, giá trị mới, và thật dễ áp dụng.

Sene, bạn trẻ đến từ Hawaii (Mỹ), tập trung với phần thực hành gắn mảnh vỡ
Sene, bạn trẻ đến từ Hawaii (Mỹ), tập trung với phần thực hành gắn mảnh vỡ
Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục giới thiệu cách ứng dụng sơn thếp để hàn gắn mảnh vỡ
Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục giới thiệu cách ứng dụng sơn thếp để hàn gắn mảnh vỡ
Nghệ thuật sơn thếp trong sơn ta ứng dụng vào sản phẩm do Nguyễn Xuân Lục chế tác
Nghệ thuật sơn thếp trong sơn ta ứng dụng vào sản phẩm do Nguyễn Xuân Lục chế tác
Chiếc tô liền lạc nhờ kỹ thuật sơn thếp, đường nứt tạo nên điểm nhấn đẹp
Chiếc tô liền lạc nhờ kỹ thuật sơn thếp, đường nứt tạo nên điểm nhấn đẹp

Theo Lam Phong (TNO)

Có thể bạn quan tâm