Dưới lá cờ Tổ quốc, cờ Đoàn tung bay trong gió, không khí lao động ban ngày hăng say, ban đêm rộn vang tiếng hát. Tại đây đã xuất hiện những kiện tướng gánh đất, kiện tướng đẩy xe…
Ngày gánh đất, đêm ca hát, học tập
Tiếp mạch chuyện về những ngày làm việc trên đại công trường thủy nông hồ Đại Lải, bà Nguyễn Thị Kim Thao 83 tuổi, người ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nhớ lại: “Cổ nhân có câu “vạn sự khởi đầu nan”, quả thật đúng. Những ngày đến công trường vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Bữa ăn kham khổ, gạo không đủ no phải trộn thêm ngô, khoai, sắn. Thức ăn mỗi ngày khi có thêm một vài miếng thịt, đậu, còn lại là rau. Còn ở thì làm lán trại bằng nứa, lợp mái tranh. Chị em ngủ tập trung từng lán; quần áo, chăn màn thiếu thốn. Những ngày đông về giá buốt chúng tôi phải ôm nhau ngủ cho đỡ lạnh”.
Bà Thao cho biết, công việc hàng ngày của bà chủ yếu là gánh đất vì máy móc rất ít. “Ngày nắng cũng như ngày mưa, đầu trần chân đất, chúng tôi gánh từng gánh đất, đá từ suối lên bờ. Có nơi suối sâu 20 -25m. Rồi lại gánh từ đồi cao xuống đập 1, đập 2, đập 3. Những ngày đầu, nhiều người chưa quen, vai sưng tím. Có người chân tay phồng rộp nước vì đẩy xe cút kít chở đất lên bờ, xuống suối. Nhưng với tinh thần của tuổi trẻ, sức khỏe của thanh niên, khó khăn vất vả đó nhanh chóng qua đi. Có những gánh đất ban đầu chỉ xúc vài xẻng, sau dần lên 50-60kg, có người gánh lên 80kg vẫn đi thoăn thoắt. Nhiều người đã trở thành dũng sỹ - chiến sỹ thi đua trong các chiến dịch vận chuyển.
Bà Thao kể, để vơi đi nỗi buồn, sự mệt nhọc, khơi dậy tinh thần cho anh chị em, sau ngày lao động vất vả, các chương trình văn nghệ, buổi giao lưu thể thao, các lớp học bổ túc văn hóa được tổ chức vào mỗi buổi chiều, tối. Tiếng hát át sự mệt nhọc, làm cho cuộc sống thêm vui tươi. Cả công trường giống như một đại gia đình, sống hòa thuận, chân thành, coi nhau như anh chị em ruột.
Ông Lê Đức Thịnh ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo là một trong những TNXP có mặt sớm nhất ở công trường. Lúc đó, ông Thịnh và hàng nghìn TNXP khác chính là đội quân chủ lực đảm nhiệm tất cả các khâu kỹ thuật, từ phá đá, nổ mìn, tuyển chọn nguyên vật liệu, cát sỏi đến làm cốp-pha, cạo sắt rỉ, đổ bê tông...
Ông Thịnh nhớ lại, trên công trường hàng ngày có hơn một nghìn người tham gia. Lớp lớp người đội nón, đội mũ lá, quần áo muôn màu sắc, đan xen là các lán trại cắm cờ đỏ sao vàng và lá cờ Đoàn tung bay trong gió. Mỗi người mỗi việc, người đào mương, khơi ngòi, xẻ rãnh, đắp đập, người đầm nền, vận chuyển đất đá. Còn đội của ông thì nổ mìn, phá đá, khai thác cát sỏi, khiêng ống thép mạ kẽm để lắp ống cống. Một đội khác có kỹ thuật cao hơn thì đổ bê tông cống, đập tràn xả lũ…
Ông Nguyễn Tiến Thông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên, cho biết, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt chủ trương xây dựng tượng đài TNXP xây dựng hồ Đại Lải nằm cạnh hồ, hiện đang trong quá trình chuẩn bị mặt bằng để khởi công. Ngoài ra, thành phố Phúc Yên bố trí một phần diện tích tại nhà điều hành BQL hồ Đại Lải để trưng bày những kỷ vật của TNXP xây dựng hồ Đại Lải để phục vụ khách đến tham quan, ghi nhận công lao to lớn của các TNXP tham gia xây dựng nên hồ Đại Lải.
Chuyện của những kiện tướng
Ông Thịnh kể rằng, những ngày đó vất vả nhưng lại rất vui vẻ lạc quan, nhất là những ngày công trường có đợt thao diễn. Các cuộc thi giữa các phân đội, liên đội được tổ chức như thi đổ bê tông, gánh đất đá, đẩy xe cút kít, kè bờ đập hay gánh đất hoàn thổ các cửa khẩu tùy thuộc vào tiến độ của công trường. Những ngày thao diễn là những ngày năng suất lao động ở công trường đạt cao nhất. Cả công trường rộn ràng tiếng loa tuyên truyền, cổ động. Lãnh đạo Tỉnh đoàn, Ban chỉ huy công trường cũng đến động viên. Nhiều kiện tướng gánh đất, kiện tướng đẩy xe cút kít được vinh danh như chị Nguyễn Thị Mạc, ở xã An Tường (Vĩnh Tường); Phạm Thị An, ở xã Liên Mạc (Mê Linh) có thể gánh từ 90 - 120 kg/lượt; hay các anh Tùng, anh Xê đẩy những chiếc xe cút kít chở đất nặng 140 - 150 kg… Có người được kết nạp Đảng ngay trên công trường như chị Phạm Thị An vì có nhiều thành tích xuất sắc. Chị An khi đó mới 20 tuổi, nhiều lần đạt danh hiệu kiện tướng tại các kì thao diễn.
Ông Thịnh cho biết, trong gần 4 năm sát cánh bên nhau, sau những buổi lên lớp học văn hóa sau giờ đi làm, tất cả những đội viên có trình độ văn hóa thấp đã được đào tạo đến hết cấp I. Qua những buổi học, buổi giao lưu, thi đua trên công trường nhiều mối tình đẹp và trong sáng cũng nảy nở trong những ngày tháng sôi nổi ấy. Như mối tình của ông Thịnh và vợ ông là bà Bùi Thị Quốc. Trong những ngày tháng gian khổ đó, ông bà Thịnh - Quốc từng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở công trình Đại Lải cả hai đã cùng nhau về làm việc tại Nông trường Tam Đảo rồi kết hôn, sinh con, lập nghiệp.
Ông Thịnh cũng không thể nào quên ngày công trình hoàn thành và các lán, trại được dỡ đi. Đứng trên đập phía Đông, ông chứng kiến cảnh nước cuồn cuộn chảy qua công trường 2 và cống Đồng Đò với kênh dẫn 11km; còn đứng trên đập phía Tây sẽ thấy kênh dẫn 5,6 km. Ở đó, ông cảm nhận sức mạnh của những con nước đang băng băng về với ruộng đồng, thấy được sức mạnh của sự đoàn kết, của tập thể thanh niên.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch hội Cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc kể, năm 1951, Bác Hồ đến thăm Liên phân đội TNXP 312, Vĩnh Phúc đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông, Bắc Kạn) do lập được nhiều chiến công xuất sắc. Bác Hồ đã tặng đơn vị 4 câu thơ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Bốn câu thơ sau này trở thành tài sản vô giá của mỗi người dân Việt Nam, là kim chỉ nam hành động cho thế hệ trẻ ngày nay và mãi mãi mai sau.
Theo ông Quang, câu chuyện trên là tiền đề để năm 1959, TNXP Vĩnh Phúc đã cùng nhau đoàn kết, quyết tâm làm nên đại công trình thủy nông hồ Đại Lải, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tăng nguồn lương thực cho quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo Đức Anh (TPO)