Điểm đến Gia Lai

Một lần đến Hà Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều người bạn của tôi khi đến Gia Lai vẫn thường thắc mắc chuyện ở vùng đất phía Đông Bắc tỉnh lại có xã Hà Đông, Hà Tây như những địa danh bấy lâu đã trở nên quen thuộc của Thủ đô Hà Nội.

Theo sự tìm hiểu của tôi thì có nhiều cách giải thích. Có người bảo đó là một chuỗi trong các vùng đất có tiền tố “Hà” ở Gia Lai như Hà Tam, Hà Ra, Hà Lòng... Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, ban đầu thực ra có một địa danh mang tên một phụ nữ là H’Đông, sau đọc chệch thành Hà Đông. Cũng có ý kiến cho rằng, do vùng đất này nằm cạnh sông nên mới có tên Hà Đông, Hà Tây như ngày nay.

Xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) có diện tích tự nhiên gần 20.000 ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp, với 5 làng người Bahnar, khoảng chục ngàn dân. Còn nhớ mùa xuân năm Ất Dậu (2005), tôi có mặt trong đoàn công tác của tỉnh “xông đất” Hà Đông. Dọc con đường cấp phối, xuyên qua hàng chục cây số toàn rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, đèo dốc quanh co, gập ghềnh, dưới tán rừng không lọt ánh nắng mặt trời. Trên cung đường mùa xuân, hoa vông rừng nở đỏ rực từng mảng, từng vầng. Dừng chân một lúc, rừng mát rười rượi, dưới thung sâu, tiếng vài con khướu vẳng tới gợi nên cảnh thâm u huyền cảm, mênh mang của núi non hùng vĩ. Đến Hà Đông, mật độ rừng già đột ngột giảm dần, nhường chỗ cho ruộng rẫy. Đường vào làng gập ghềnh, lầy lội. Tuy không quá xa, nhưng quãng đường xuyên rừng nguyên sinh đến với Hà Đông vẫn gợi nên một sự cách trở trùng trùng.

Một góc trung tâm xã Hà Đông hôm nay. Ảnh: Nguyễn Diệp

Một góc trung tâm xã Hà Đông hôm nay. Ảnh: Nguyễn Diệp

Một thời gian dài, Hà Đông trong cảnh biệt lập như ốc đảo. Hầu hết cán bộ huyện Đak Đoa (huyện Mang Yang cũ) phải đi xe đò ngược lên tỉnh Kon Tum, rồi đi bộ cắt rừng, lội qua khoảng 18 ngầm và suối (cả đi lẫn về) mới đến được trung tâm xã. Cũng chính vì vậy mà Hà Đông lúc bấy giờ là vùng đất khó khổ, lạc hậu, cuộc sống của người dân chủ yếu là tự cung tự cấp. Trước năm 2000, việc lưu thông hàng hóa còn rất hạn chế. Anh Đinh Xơ Rát-cán bộ xã ngày ấy-kể: Để giúp Hà Đông hội nhập và phát triển, Tỉnh ủy đã đưa ra quyết sách đầu tư hạ tầng, định canh định cư, đẩy mạnh sản xuất. Đồng thời, tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí, tổ chức cho các già làng, trưởng thôn, người có uy tín đi tham quan công trình thủy điện Ia Ly và học tập thành tích định canh định cư của xã Hà Tây. Đây như một bước đột phá trong nhận thức của người dân Hà Đông. Bây giờ gặp lại, các già làng vẫn nhớ và nhắc mãi cái lần đi mở rộng tầm nhìn ấy.

Sau năm 2000, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng lập các dự án định canh định cư, làm đường giao thông từ xã đến buôn làng, kéo hệ thống điện về nhà dân. Cũng trong dịp ấy, bằng nguồn ngân sách, vốn xã hội hóa, ngôi trường bán trú của xã được đầu tư hoàn thiện hệ thống ký túc xá từ nhà cửa đến giường chiếu và đồ dùng sinh hoạt cho các em học sinh từ lớp 4 đến lớp 6, với mục đích nâng số lượng học sinh bán trú lên khoảng 120 em; vừa giảm bớt khó khăn cho học sinh các làng xa xôi, vừa tạo ra một sự đột biến trong lĩnh vực giáo dục, góp phần đẩy nhanh quá trình nâng cao dân trí trong đồng bào dân tộc Bahnar ở Hà Đông.

Với chủ trương trên, chỉ trong thời gian ngắn, đồng bào Bahnar ở Hà Đông đã biết làm ruộng nước, làm rẫy thâm canh, biết áp dụng giống mới năng suất cao; trồng được mì KM94, bắp lai LVN10, CP888, bời lời đỏ... từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều gia đình đã biết tận dụng đồng cỏ để chăn nuôi gia súc theo hướng có đầu tư thâm canh, đặc biệt đã nuôi thành công con vật nuôi mới là vịt xiêm từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ đó, cuộc sống của bà con ngày càng ấm no.

Có thể bạn quan tâm