(GLO)- Năm 1990 về trước, xuống làng nào của đồng bào Jrai, đặc biệt là các huyện phía Đông Nam tỉnh, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp đôi ba căn nhà dài. Đúng như tên gọi giản dị của nó, nhà dài là những căn nhà có chiều dài đến 50-60 m, cá biệt có những căn dài đến 70-80 m. Hầu hết chúng đều là những ngôi nhà nhiều năm tuổi, vách nứa bạc phếch, mái tranh ngả màu theo mưa nắng.
Lần đầu đứng trước căn nhà dài như thế ở buôn Jú (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), trong tôi chợt trào lên những xúc cảm hoài cổ. Rồi tôi băn khoăn tự hỏi: Có gì là độc đáo trong kiến trúc của những ngôi nhà như thế? Tại sao bao nhiêu con người đến bây giờ vẫn bó buộc sự tự do của mình vào một không gian chật chội, già nua ấy? Lời giải đáp cho tôi đã đến không phải từ sự nhìn nhận chủ quan của mình mà từ bă (ông) Kên-chủ nhân của chính ngôi nhà gồm 8 bếp thành viên.
Cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Jrai có tập quán ở nhà sàn. Nhà sàn của đồng bào Jrai có 2 dạng: nhà sàn nhỏ (ngắn) và nhà sàn dài. Chiều cao sàn và chiều rộng của 2 dạng nhà tương đương nhưng bề dài thì vượt hẳn. Tuy nhiên, cũng như nhà sàn ngắn, nhà sàn dài có kết cấu khá đơn giản, gồm hai dãy cột được chôn xuống đất, gắn kết với nhau bằng các xà ngang và mái, không cần đục lỗ mà chỉ dùng dây để buộc các mối tiếp xúc. Số cột, số gian cũng không nhất thiết chẵn hay lẻ.
Tuy nhiên, thủ tục để dựng nên nó phải trải qua nhiều điều kiêng cữ khá là phiền phức. Trước khi vào rừng đẵn cây, người ta phải làm lễ cúng Thần rừng. Trên đường đi nếu gặp phải bất kỳ con vật nào, những người đẵn cây phải quay về, hôm sau mới đi tiếp. Đẵn được cây mang về phải làm lễ cúng; dựng cột lên, cúng. Sau khi ngôi nhà hoàn thành, chủ nhà lại làm lễ cúng, như lễ tân gia của người Kinh.
Một căn nhà dài đang xuống cấp trong dãi dầu mưa nắng. Ảnh: N.T |
Điều đặc biệt là dù không gian vượt hẳn nhà sàn ngắn, nguyên tắc bố trí trong một căn nhà dài vẫn không thay đổi: Gian giữa bao giờ cũng là trung tâm. Cửa lớn được trổ thẳng chính giữa gian, là nơi chủ nhà dùng để tiếp khách và các sinh hoạt cộng đồng. Phía bên trái là nơi ở của các thành viên theo thứ tự từ con gái đầu đến con gái út và cũng là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình. Khách lạ không được vào khu vực này. Bên phải là khu vực dành riêng cho vợ chồng chủ nhà. Mỗi gia đình nhỏ sống trong nhà dài đều có một bếp riêng, đồ gia dụng riêng. Trừ những vật gia bảo như chiêng, ghè, họ không bao giờ dùng của nhau dù là thanh củi hay chiếc bầu đựng nước. Có lẽ một phần do tuân thủ nguyên tắc này nên dù chung sống trong một ngôi nhà đông đúc, có khi đến 6, 7 gia đình cũng rất hiếm khi xảy ra việc tranh chấp quyền lợi hay xích mích, cãi cọ nhau.
Nhà dài là một tập hợp niềm tin tâm linh, là sự chứng tỏ một thế lực của những gia đình khá giả, đông con cái cũng như vị thế của gia đình, dòng họ với cộng đồng, thậm chí là một thế lực giữa làng này với làng khác. Có thể nói, nếu người Kinh tự hào với những ngôi nhà “tứ đại đồng đường”, “ngũ đại đồng đường” thế nào thì người Jrai ở đây cũng hãnh diện với những ngôi nhà dài của họ như thế… Bây giờ thì tôi hiểu, không dưng mà có nhà dài. Lời giải thích của ai đó rằng, nhà dài là “tàn dư” của thời con người còn yếu ớt giữa đại ngàn hoang dã, cần tập hợp sức mạnh để tồn tại giữa tự nhiên, xem ra kém phần thuyết phục.
Những năm trước 1990, các huyện Krông Pa, Ayun Pa (nay là thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện) có rất nhiều nhà dài. Nhưng rồi theo thời gian, khi cuộc sống hiện đại lan đến lớp trẻ các buôn làng, nhà ở của đồng bào cũng đứng trước nguy cơ “trệt hóa”. Nhà dài truyền thống nguyên bản cũng theo đó ngày mỗi hao dần. Tôi nhớ cũng đã khá lâu, với ý tưởng bảo tồn nhà dài để phục vụ du lịch, người ta đã thống kê tại Phú Thiện và Ayun Pa chỉ còn chừng 50 căn. Tuy nhiên, hình như mọi việc cũng chỉ dừng tại đó. Chẳng biết sau bao nhiêu năm, 2 địa phương trên còn bao nhiêu căn nhà dài nguyên gốc. Vậy nên, bảo tồn nhà dài-một nét độc đáo về “văn hóa ở” của người Jrai-để phục vụ du lịch, thiết nghĩ là một việc rất nên làm.
NGỌC TẤN