Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước có hơn 3,2 triệu người hưởng lương hưu. Năm 2021, có một số quy định mới ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 3,2 triệu người này.
1. Lương hưu năm 2021 không tăng
Cùng với việc tăng mức lương cơ sở vào ngày 1-7 hàng năm, lương hưu cũng được điều chỉnh tăng đồng thời vào thời điểm này.
Tuy nhiên, do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, nên lương cơ sở năm 2021 vẫn được giữ nguyên ở mức 1,49 triệu đồng/tháng. Cụ thể, Nghị quyết 128/2020/QH14, Quốc hội chủ trương:
2. Lương hưu tháng 1 và tháng 2-2021 được trả gộp
Theo thông lệ, dịp Tết Nguyên đán, người đang hưởng lương hưu sẽ được trả gộp 2 tháng lương cùng lúc. Năm nay cũng không là ngoại lệ.
Vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chi trả hai tháng lương hưu (tháng 01 và tháng 02/2021) cùng lúc.
Việc trả gộp 2 tháng lương hưu cùng lúc nhằm tạo điều kiện cho người hưởng lương hưu có thể vui Tết cổ truyền đầy đủ nhất.
3. Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi vẫn chưa được hưởng lương hưu
Trước đây, theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên, đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên sẽ được hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021, quy định nêu trên sẽ được sửa đổi bởi Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, điều kiện về tuổi nghỉ hưu vào năm 2021 được điều chỉnh như sau:
Lao động nam phải đủ 60 tuổi 3 tháng;
Lao động nữ phải đủ 55 tuổi 4 tháng.
4. Thay đổi số năm đóng BHXH với lao động nam để tính mức lương hưu
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó, nếu nghỉ hưu vào năm 2021, số năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam được tính là 19 năm (trong khi năm 2020 là 18 năm).
Trên đây là quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 và điểm a khoản 2 Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Theo An Chi (NLĐO)