TN - Đất & Người

Một tấm lòng với đạo, với đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Cơ quan chức năng sẽ làm gì để kiềm giá hàng hóa tăng cao, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, để đồng bào nghèo trong tỉnh đỡ khổ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão?”- đa số các đại biểu tại kỳ họp 21-HĐND tỉnh khóa IX vừa qua đều dồn mắt về phía người vừa nêu câu chất vấn rất thời sự nói trên và nhanh chóng nhận ra đó là đại biểu Nhữ Đình Thân.
Ông cũng chính là Hòa thượng Thích Viên Quán- Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai, trụ trì chùa Thừa Ân (TP. Pleiku).
Khi nhà sư… chất vấn
Lâu nay, nhắc đến hình ảnh các nhà sư, người ta thường liên tưởng đến sự lánh đời. Nhưng Hòa thượng Thích Viên Quán lại không nghĩ vậy. Thầy khoan thai giải thích: Phật giáo Tiểu thừa thường nghiêng về quan điểm tự lợi (xa lánh việc đời), còn Phật giáo Đại thừa lại quan niệm phải lợi tha (giúp đời), đồng nhất với phương châm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đạo pháp dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”; mọi hoạt động của Giáo hội đều lấy phương châm này làm nền móng.
Hòa thượng Thích Viên Quán trao đổi với các đại biểu HĐND tỉnh trong giờ giải lao. Ảnh: T.N
Hòa thượng Thích Viên Quán trao đổi với các đại biểu HĐND tỉnh trong giờ giải lao. Ảnh: T.N
Điều này giải thích nguyên nhân Hòa thượng Thích Viên Quán trở thành đại biểu HĐND thị xã Pleiku (1977-1979), khi vừa mới từ quê hương Mỹ Thọ, Phù Mỹ (Bình Định) lên Gia Lai để trụ trì chùa Thừa Ân. Sau đó, thầy tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh suốt 3 nhiệm kỳ (từ 1982-1987, 1987-1992, 1999-2004); hiện thầy đang là đại biểu HĐND tỉnh khóa IX.

Với tư cách này, trong nhiều kỳ họp của HĐND tỉnh, đại biểu Nhữ Đình Thân (tên tục của Hòa thượng Thích Viên Quán) liên tục có những chất vấn trước những vấn đề thời sự nhất của tỉnh nhà. “Nhiều người ngại nói vì sợ va chạm, nhưng mình không nói gì sai thì sao phải ngại?”- Thầy thẳng thắn trải lòng. Thầy cho biết, để có cơ sở cho những chất vấn rất “chất lượng” nói trên, thầy thường xuyên đọc báo Gia Lai, Nhân Dân, nghe đài, xem ti-vi… Ngoài cuốn sổ ghi chép công việc của Giáo hội, thầy còn có thêm một cuốn sổ khác để ghi chú lại tất cả những vấn đề thời sự cần quan tâm.
“Lợi tha”
Nói sâu hơn về quan điểm lợi tha, Hòa thượng Thích Viên Quán khẳng định: Đạo giúp đời ở cả hai phương diện tinh thần và vật chất. Về tinh thần, Phật giáo đưa con người đến chỗ giải thoát, an lạc về tinh thần; đồng thời giúp con người biết yêu thương, đoàn kết, đùm bọc cũng như chia sẻ với nhau những khổ đau, phiền não. Về vật chất, thông qua hoạt động từ thiện, năm nào Giáo hội và các chùa cũng tham gia cứu trợ bão lụt, xây tặng nhà tình nghĩa, nuôi trẻ mồ côi… góp phần xoa dịu những mất mát, đem lại cuộc sống ổn định cho đồng bào. Và, với thầy, tham gia HĐND cũng là một cách giúp đời, qua đó “đóng góp ý kiến cải tạo xã hội, giúp cuộc sống con người ngày càng trở nên tốt đẹp hơn theo chủ trương, đường lối mà Đảng và Nhà nước đã đề ra”. Bằng cách đó, đạo đã đi sát với đời, tạo ra những vòng tròn đồng tâm lan tỏa về cái thiện, về tinh thần đoàn kết. Ghi nhận những đóng góp tích cực của Hòa thượng Thích Viên Quán, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trao tặng thầy Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân”.
Bà Rơchăm H’Yéo- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh- cũng dành những lời nhận xét đầy kính trọng đối với Hòa thượng Thích Viên Quán: “Là đại diện cho đông đảo đạo hữu của Phật giáo, Hòa thượng là đại biểu có nhiều phát biểu rất có trách nhiệm đối với hoạt động của Ủy ban MTTQ tỉnh, góp phần xây dựng chính sách đại đoàn kết dân tộc... Ông cũng là người rất tích cực trong công tác từ thiện xã hội”.
Nói về những bộn bề công việc sắp tới, Hòa thượng Thích Viên Quán nở nụ cười thuần hậu: “Nếu không vì lý do sức khỏe hoặc bận quá nhiều việc của Giáo hội, tôi sẽ tiếp tục tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh một lần nữa”.
 
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm