(GLO)- An Khê của tôi bình lặng chảy muôn đời qua dòng sông Ba mang nặng phù sa, tưới mát những ruộng đồng, bờ bãi. Dòng sông đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ lớn lên đi muôn nơi, làm giàu muôn nẻo, rồi ở đâu cũng bảo nhau nhắc nhớ mà quay về.
Đôi khi, nỗi nhớ thương bất chợt hiện về trong một buổi sớm mây bảng lảng bên dòng sông Ba. Gió mơn man thổi qua bức tường được tô sơn những mảng màu ký ức rồi hửng giấc đằng đông sớm mai. Một ngày thênh thang dẫn về ngôi nhà cũ, trong lòng tôi chợt dậy lên thương nhớ bùi ngùi.
Qua màn sương mờ mờ của chuyến tàu hoài niệm, ngôi nhà cũ hiện ra với chiếc guitar ba vẫn hay thường ngồi đệm hát cho cả nhà nghe những lời da diết: “Thung lũng buồn như tình yêu/Dòng sông Ba đưa em về đâu?/Phố núi nghèo ly cà phê/Nhìn mây bay lững lờ bên hè”. Nỗi nhớ thương ùa về với những xao xuyến vụng về, những tươi xanh mơn mởn, những kỷ niệm dịu dàng và cả những day dứt của thuở thanh xuân.
Từ thuở xưa xa, dòng sông Ba còn là mạch nguồn của trường ca Bahnar ẩn giấu trong muôn vẻ huyền bí của rất nhiều lớp lang huyền thoại về những giai nhân và những anh hùng. Dẫu gánh chịu tác động từ nhiều phía nhưng dòng sông Ba vẫn thủy chung với con người.
Đi qua biết bao thăng trầm, sông lại trở về hiền hòa, tưới mát tâm hồn những đứa con xa quê. Không những thế, sông còn là chứng tích phế tháp cho thời kỳ phát triển huy hoàng của đế chế Chăm Pa một thời. Mới đây nhất, dòng sông được phát hiện và công nhận là nơi lưu giữ dấu tích văn hóa của tổ tiên loài người.
Ngang qua nỗi nhớ, lắm lúc tôi lại tự giận mình. Khoảng thời gian gia đình tôi không còn tạm trú bên dòng sông mà chuyển lên sinh sống ở thị xã, tôi đã an ủi má: Về phố huyện ở thứ gì cũng có, cũng sạch sẽ tinh tươm nên má không cần lo lắng.
Ba tôi đã sắm sửa cho má tất cả. Thế nhưng có một thứ mà tôi biết chắc không thể nào tìm được ở nơi má sắp đến. Đó là nỗi nhớ thương dòng sông mà má đã gắn bó gần nửa thế kỷ. Suốt quãng thời gian dài đằng đẵng đó, dẫu nắng đổ, mưa tuôn, sương mù, gió hắt má vẫn dầu dãi, vui buồn bên dòng sông ấy. Thế nên sông đã trở thành máu thịt, thành hơi thở từng ngày của má.
Thị xã An Khê nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn |
Miền nhớ khác chỉ giới hạn trong một không gian bé nhỏ, nơi chỉ có những bộ phim là tâm điểm. Sẽ thật khó quên với những ai đã từng chen chân để mua được một tấm vé, ngồi trong phòng chiếu với các hàng ghế kê san sát trong rạp chiếu bóng cũ trên đường Quang Trung. Mỗi khi nghe tiếng loa phát thanh thông báo sắp có chiếu bóng hay trông thấy mấy tấm áp phích viết bằng phấn màu trên giấy bản dán tường, tôi sung sướng biết nhường nào. Thích nhất là những buổi công diễn tuồng Đào Tấn, tôi và má vẫn hay ngồi chờ hàng ghế trước.
Mùi hương trong miền nhớ tôi mong tìm về nhất là mùi mật mía quyện trong hơi lạnh của những ngày cuối đông, khi trời đất chuyển mình vào vụ, khi những lò đường gần đó thơm dậy mùi mật. Những cây mía được các bà, các chị tếp vào trục ép vỡ đôm đốp, nước chảy xuống chậu tuôn trào như suối nghe thật thích, nhưng thích nhất là đứng bên bếp lò, than cháy đỏ rực, chảo mật đang sôi sùng sục trong cái lạnh buôn buốt cuối đông. Cùng với đó là một chén mật sánh vàng màu hổ phách, chín quánh vừa đến độ, tỏa ra mùi thơm ngan ngát.
Đó là một thức quà cuốn hút đám trẻ chúng tôi đến độ chiều nào cũng rủ nhau đi mót mật. Cái mùi hương ấy càng quyện chặt hơn khi lũ bạn nhúng một lớp mật lên chiếc bánh tráng, đưa lên mũi, ngửi một thoáng cho ngất ngây rồi mới thưởng thức.
Tôi rảo bước chầm chậm qua những con đường nơi phố thị An Khê. Những con đường không quá dài nhưng cũng đủ biên rộng mang đến cho tôi cảm giác như được an trú trong yêu thương. Thị xã ngày càng đáp ứng được mọi nhu cầu sinh hoạt của đời sống hiện đại. Siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể dục thể thao, quán cà phê, nhà hàng ăn uống... cho thấy đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân ngày một đầy đủ, phát triển.
Tôi thích những buổi sáng bình yên nghe tiếng rao thơm mùi xôi đậu phộng được gói trong lá chuối, mùi bánh rán vọng vào từ con hẻm nhỏ hay tiếng rao đêm đầy khắc khoải trong quãng thanh vắng nhưng đông cựa trong cuộc mưu sinh. Những hàng quán lặng lẽ nép dưới tán bàng lá đỏ cùng hoạt động bán-mua từ tốn. Mến người dân nơi đây vẫn còn đậm chất quê kiểng, tha thiết yêu thương gắn kết sống với nhau bằng tình làng nghĩa xóm; bằng âm hưởng còn nặng tiếng “xứ Nẫu” của một thế hệ ông bà, cha mẹ đã đến mảnh đất này sinh sống, dựng xây thị xã hôm nay.
NGUYỄN THỊ DIỄM