Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Một thời làm truyền thông giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ sau ngày thống nhất đất nước (1975), sự nghiệp giáo dục miền núi ở phía Nam đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết.

Đặc biệt là công tác xóa mù chữ cho người dân và bổ túc văn hóa cho cán bộ từ cơ sở đến cấp tỉnh; giáo dục phổ thông cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc đào tạo giáo viên miền núi; rồi cơ sở vật chất, trang-thiết bị giáo dục… Trong khi đó, nguồn lực từ Nhà nước còn thiếu thốn trăm bề.

Do vậy, ngành Giáo dục từ trung ương đến địa phương đều quan tâm đến công tác truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm khai thác tối đa nội lực trong dân với phương châm phát triển giáo dục bằng mọi cách, dựa vào sức dân là chính, không chỉ xóa mù chữ mà còn nâng cao trình độ cho cán bộ, Nhân dân; phát triển giáo dục phổ thông đến tận buôn làng.

Công tác truyền thông luôn đồng hành cùng với sự tiến bộ của các ngành học, từ mầm non, bổ túc văn hóa đến phổ thông và ngành Sư phạm ở địa phương (ảnh minh họa, nguồn GD&ĐT)

Công tác truyền thông luôn đồng hành cùng với sự tiến bộ của các ngành học, từ mầm non, bổ túc văn hóa đến phổ thông và ngành Sư phạm ở địa phương (ảnh minh họa, nguồn GD&ĐT)

Trong 10 năm đầu phát triển giáo dục ở Gia Lai-Kon Tum (1975-1985), công tác truyền thông luôn đồng hành cùng với sự tiến bộ của các ngành học, từ mầm non, bổ túc văn hóa đến phổ thông và ngành sư phạm ở địa phương, cổ vũ và động viên kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào giáo dục, uốn nắn lệch lạc trong chuyên môn cũng như phát triển đại trà, thúc đẩy sự sáng tạo và tự lực cánh sinh ở các cơ sở giáo dục.

Giai đoạn này tại Sở Giáo dục Gia Lai-Kon Tum, được sự quan tâm của lãnh đạo ngành, một số người có khả năng làm truyền thông trong đội ngũ cán bộ, giáo viên được khuyến khích tham gia viết báo nhằm tuyên truyền, cổ động phong trào giáo dục tỉnh nhà; tổ chức xuất bản tập san giáo dục định kỳ của tỉnh và xuất bản sách tham khảo; phát động các phong trào làm báo tường ở cơ sở; đẩy mạnh phong trào văn hóa-văn nghệ ở các trường học và các phòng giáo dục…

Bấy giờ, lãnh đạo Sở Giáo dục Gia Lai-Kon Tum giao Văn phòng chịu trách nhiệm chính trong công tác truyền thông, phối hợp cùng Phòng Đào tạo và các phòng ban khác để có kế hoạch tuyên truyền, nắm bắt thông tin và cung cấp tài liệu, thông tin cho các cơ quan báo đài; trực tiếp viết tin bài cho các cơ quan truyền thông; lập kế hoạch xuất bản tập san định kỳ (3 tháng 1 số) và các loại sách tham khảo và tuyên truyền…

Năm 1984, lãnh đạo Sở Giáo dục Gia Lai-Kon Tum đề nghị Báo Giáo viên Nhân dân (Báo Giáo dục và Thời đại sau này) cử các nhà báo có kinh nghiệm vào mở lớp đào tạo cộng tác viên cho ngành. Các phòng giáo dục huyện, thị và các trường trực thuộc Sở đều cử cán bộ, giáo viên tham gia lớp truyền thông này. Sau khóa học, Báo đã cấp giấy chứng nhận cho học viên và cấp 3 thẻ thông tín viên cho cán bộ ngành, gồm các anh Trần Chớ, Chử Anh Đào và tôi. Nhiệm vụ của thông tín viên là thường xuyên cung cấp thông tin và viết bài cho Báo.

Đối với tập san Giáo dục Gia Lai-Kon Tum thì có Ban Biên tập do Giám đốc Sở chịu trách nhiệm xuất bản và 3 thành viên trong biên tập gồm: tôi, anh Chử Anh Đào, Cao Tất Tịnh. Tập san chính thức xuất bản từ năm 1984, kinh phí được lập dự toán hàng năm; mỗi số in 1.000 bản với 100 trang/bản, cấp cho các đơn vị trực thuộc ngành Giáo dục tỉnh.

Ngoài các bài viết mang tính chỉ đạo chung của lãnh đạo ngành, tập san còn có các bài viết về những nghiên cứu, kinh nghiệm giảng dạy của nhà giáo, gương tập thể, cá nhân điển hình và trang văn hóa-văn nghệ do nhà giáo sáng tác và cộng tác viên của các ngành khác.

Mỗi năm, Ban Biên tập tổ chức họp cộng tác viên để động viên, khen thưởng cộng tác viên tích cực và rút kinh nghiệm về nội dung và hình thức của tập san để từng bước cải tiến tốt hơn. Tập san Giáo dục tỉnh duy trì xuất bản được hơn 10 năm để lại ấn tượng tốt đẹp cho cán bộ, giáo viên, sau đó phải tạm dừng vì kinh phí hạn chế.

Có thể thấy, công tác truyền thông giáo dục ở Gia Lai-Kon Tum đã làm tốt vai trò của mình, góp phần nhân rộng các điển hình tiên tiến, như phong trào xóa mù chữ, xây dựng các trường bổ túc văn hóa từ huyện đến tỉnh, mở hệ vừa học vừa làm (Trường Vừa học vừa làm Đăk Tô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động); xây dựng hệ thống bán trú dân nuôi, được Bộ Giáo dục đánh giá cao; giáo dục phổ thông phát triển mạnh ở cơ sở với nhiều đơn vị được Nhà nước và Bộ khen thưởng.

Có thể bạn quan tâm