(GLO)- Bây giờ, muốn “nếm” mùi nắng bụi, mưa bùn có lẽ phải đến những nơi xa thành phố. Một thời không xa, đây từng là “đặc sản” của chính thành phố này, ngay trong nội thành.
Số đường phố chính được tráng nhựa đếm không hết mười ngón tay nên bụi bùn vẫn cứ bê bết từ những con lộ còn trần trụi mang vào. Bụi bùn thì đâu mà chẳng có, nhưng trên cái nền đất bazan mới thật kinh khủng. Mưa xuống, đất ngậm nước đầy trong từng phân tử nên bùn cứ dẻo quánh, bám dính và trơn trượt. Chợ Mới (Trung tâm Thương mại Pleiku bây giờ) sau mỗi cơn mưa trông cứ như cái bánh bông lan được phết lớp kem đỏ quạch, dậy lên qua chân kẻ bán người mua. Các bà nội trợ, các tiểu thương ai cũng mang bốt cao su cao cổ để chống bùn. Từng lớp, từng lớp cứ bồi thêm, chẳng mấy chốc đôi chân như đeo 2 quả tạ to đùng, thỉnh thoảng lại phải tìm chỗ mà gỡ; gỡ mới là từ chính xác chứ không phải đập. Thanh niên sĩ diện mà mang cặp sa bô (một loại dép thời trang ngày ấy, có đế cao) thì đúng là “ăn cho hết” bùn Phố núi. Nhà nào cũng thay thảm chùi chân bằng “miếng cọ bùn” hàn ghép bằng những đoạn cọc sắt rào của quân đội rất sẵn.
Chợ đêm Pleiku. Ảnh: HỒ ANH TIẾN |
Đường Trịnh Minh Thế ngày xưa (bây giờ là đường Trần Hưng Đạo) rất lãng mạn với cây xanh và áo trắng học trò. Nhưng đến mùa mưa, các tiểu thư Plei Me, Phạm Hồng Thái lại đến khổ vì bùn. 2 tà áo dài tinh khôi luôn được cột lên chứ không thì gặp phải chàng sĩ quan nào đó ba gai lái xe bạt mạng lướt qua, áo sẽ lấm tấm chấm bi ngay. Thời đó, ai có xe máy-thịnh hành là honda dame hoặc 67, 68-chắc đều nếm mùi bùn Pleiku. Nó thử thách tính việt dã rất ác liệt, nhỡ phải đi vào một đoạn đường đất đẫm mưa thì chỉ cần trăm mét thôi, bùn đã thành bộ phanh ăn cứng bánh trước lẫn bánh sau. Khổ chủ chỉ còn nước kiếm cây que mà gỡ từng miếng mới lăn bánh tiếp được. Sau cơn mưa đầu mùa vào khoảng trung tuần tháng 5, dân Phố núi phải chịu đằng đẵng 5 tháng mưa “chính vụ”, mà mưa ở đây có khi một cơn kéo dài 3 tháng. Năm ngoái, sau nhiều năm thất thường lại có chuyện nước trời đổ liên tục hơn 2 tháng, không thấy nắng đâu cả. Người ta than dữ lắm dù chỉ chịu ướt át chứ đâu phải sống chung với bùn như cư dân Pleiku ngày cũ.
Hạ tuần tháng 10, khi dã quỳ bắt đầu ra hoa thì đất bazan cũng mau chóng nhả nước, khô cứng, rã ra thành lớp mùn hồng đỏ, nhất là ở những con đường ngoại thị. Mật độ lưu thông càng lớn thì lớp mùn này càng dày, một chiếc xe chạy qua là mịt mù, cây cối bên đường cứ vậy được phủ chiếc áo màu đỏ khô khốc suốt mùa. Nhìn một người vừa thoát khỏi đám mịt mù ấy, tóc tai, lông mày lông mi như được nhuộm hồng không kỹ, trông cứ như dị nhân. Cái gió Tây Nguyên mùa này góp sức cuốn bụi phủ đều khắp mọi thứ. Nội thị có đỡ hơn một chút vì ít nhiều cũng đã được nhựa hóa, bê tông hóa, nhưng cũng khổ sở lắm. Nhà cửa, đồ đạc bẵng một tí là đổi màu vì bụi. Để vài ngày nó đóng lên cả lớp, mịn nhẹ nhưng rất bám, lớp bụi qua gió thoảng mà bề mặt có hoa văn dợn sóng như mặt hồ rất lạ. Học trò, nhất là nữ sinh, khi đến lớp luôn mang theo vài trang báo, tạp chí để lót chỗ ngồi, nếu không đồng phục sẽ nhanh chóng ngả màu vì bụi. Tình trạng sẽ càng xấu đi nếu dùng khăn, nhất là khăn ướt mà lau. Quy trình cứ phải là quét, hốt cho sạch bụi đã rồi tính đến chuyện lau nếu không muốn mọi thứ trở nên lem luốc. Bụi hồng Pleiku là thế đấy.
Với tôi, người đã sống gần 50 năm ở xứ “nắng bụi mưa bùn” này thì khó xem đó là một cái đẹp và hấp dẫn của Phố núi, khổ vì nó lắm. Nhưng rất lạ khi “đặc sản” bụi hồng lại là cảm hứng văn chương. Nhà thơ Kim Tuấn sau thời gian dài sống và làm việc ở Pleiku đã kịp có tập thơ Dấu bụi hồng (xuất bản năm 1971) với nhiều chỉ dấu về mịt mờ bụi đỏ. Chỉ 4 câu: “Một tháng không trăng rằm/Mây núi ôm trời thấp/Giá rét về căm căm/Cao nguyên mù đất đỏ... (Kỷ niệm) đã đủ nói lên đặc trưng 2 mùa mưa nắng của Pleiku thuở ấy. Còn nhà thơ Phạm Thiên Thư thì không ví người đẹp của mình như bụi đỏ, nhưng đã chỉ ra sự thiết thân của 2 thứ, mất cái này cũng xót xa như mất cái còn lại: “Xưa theo Ngọ về/Mái tóc Ngọ dài/Hôm nay đường này/Cây cao hàng gầy/Đi quanh tìm hoài/Ai mang bụi đỏ đi rồi...” (Ngày xưa Hoàng Thị). 2 câu cuối như nhấn thêm cái lãng mạn vào màn bụi mù mịt màu đỏ ấy. Riêng tôi vẫn chưa bao giờ bị thuyết phục để có cái nhìn khác đi về môi trường sống khắc nghiệt một thời.
Khoảng 20 năm trở lại đây, Pleiku đã phát triển nhanh chóng. Gần như mọi ngả đường nội thành, các tuyến liên huyện đều được mở rộng và nhựa hóa, phố xá khang trang với vỉa hè khá đẹp, bụi bùn chẳng còn chỗ “hoành hành”. Người Pleiku cũ trở về khó mà tìm lại cái khổ sở vì chúng nữa. Cái nickname “nắng bụi mưa bùn” chỉ còn là quá vãng.
NGUYỄN SƠN