Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi sinh hoạt cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở Gia Lai-Kon Tum từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, phong trào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folklore) đang rộ lên. Tôi tự cảm thấy đây là lĩnh vực cũng cần tìm hiểu và có trách nhiệm với nơi mình đang sống.

Bấy giờ, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm về lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian là Sở Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum. Chúng tôi là nhà giáo, hoàn toàn là “tay ngang” mặc dù là dân học văn ra. Tiếng của người dân tộc thiểu số chưa hề biết nhưng cũng tập tành tranh thủ ngày nghỉ đi vào làng để sưu tầm truyện cổ, dân ca Jrai, Bahnar. Khổ nỗi, lúc bấy giờ mượn được một chiếc máy cassette để ghi âm không phải dễ vì ai cũng nghèo. Mượn được máy thì phải tự bỏ tiền túi để mua băng.

Thầy giáo Nguyễn Tô Hoài (Nguyễn Đỗ) dạy văn ở Trường THPT Pleiku phải nhờ các em học sinh có cha mẹ khá giả tác động với gia đình mới có cassette để hoạt động. Vì không có thời gian ở buôn làng nhiều ngày nên công việc của nhóm do anh Nguyễn Đỗ đứng đầu làm theo kiểu trải mành, rảnh lúc nào thì tham gia lúc đó.

Điều thuận lợi lúc này là có sự ủng hộ nhiệt tình của nhà giáo Siu Pơi, bấy giờ đang là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai-Kon Tum, nhà giáo Ksor Yin… Hai thầy đã động viên và giúp phần dịch thô khi rã băng và cung cấp nhiều bài dân ca của dân tộc mình vốn thuộc từ thuở bé.

Cuốn sách nhỏ Dân ca Jrai được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc chấp thuận xuất bản vào năm 1993. Ảnh: B.Q.V

Cuốn sách nhỏ Dân ca Jrai được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc chấp thuận xuất bản vào năm 1993. Ảnh: B.Q.V

Tôi nhớ lúc này, được sự hậu thuẫn của các ông: Ksor Krơn, Nay Phin, Ksor Tuyên…, nhà giáo Siu Pơi ấp ủ cùng với Rmah Del (Sở Văn hóa-Thông tin) chuẩn bị bắt tay vào làm từ điển Jrai-Việt (Jrai-Yuan). Lúc này, nhà giáo Siu Pơi đã đọc cho chúng tôi nghe bài dân ca Jrai đầu tiên (bằng tiếng mẹ đẻ, rồi dịch thô ra tiếng phổ thông) về tình yêu khá hay.

Ban đầu ông gọi đầu đề bài dân ca là “Yêu em”, sau đó chúng tôi sửa trong bản chính là “Yêu người con gái”: “Em còn bé anh chơi với em/Em lớn lên anh múc nước cho em/Em thành con gái, anh đan cho em cái gùi/Bây giờ sao hai đứa mình không gần nhau?/Anh muốn rủ em đi xúc cá/Anh muốn gọi em đi câu/Em ơi!/Đến mùa vui/Em đội dù lá arong/Em cầm cái dù cán bạc/Em quàng khăn Lào/Em cười, răng em trắng xóa/Em ơi, em nói dễ nghe/Em cười cởi mở/Em không giận ai/Em mặt trái xoan/Em đẹp em xinh!/Môi em hoa pơlah/Móng tay lông nhím/Mắt như sao hôm/Em xinh đẹp lắm/Sao không của anh?”.

Tôi nhớ, khi sưu tầm được những bài dân ca tình yêu hay, anh Nguyễn Đỗ thường reo lên như bắt được vàng và ngày đó, chúng tôi lại bù khú với nhau vài cốc rượu đế tự tán thưởng. Trong vai trò một giáo viên dạy văn, lại là người sáng tác thơ, anh Nguyễn Đỗ cho rằng: “Phải nói rằng phần thơ tình dân gian của người Jrai là có nhiều giá trị nhất bởi vừa cổ xưa vừa gần chất thơ. Những bài thơ tình dân gian Jrai này có cái gì hoang dã nhưng đầy chất người bản năng, đầy ma lực…”.

Chính những lần tháp tùng điền dã một cách tự giác, tự do này, tôi đã thấm dần cái chất Folklore đầy hấp dẫn tự lúc nào không hay.

Nhớ không nhầm, phải mất vài ba năm sau, kể từ khi nhen nhóm kế hoạch sưu tầm đến khi hoàn thành bản thảo, cuốn sách nhỏ Dân ca Jrai mới được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc chấp thuận xuất bản vào năm 1993. Một công trình tuy nhỏ với khoảng 24 bài dân ca về tình yêu đôi lứa và 9 bài dân ca về phong tục, lễ nghi nhưng đã để lại dấu ấn trong tôi về bước đầu tham gia nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian trên quê hương của người Jrai, Bahnar.

Sau nhóm nhà giáo chúng tôi có sản phẩm trình làng, thì nhà giáo Siu Pơi cũng đã hoàn tất bản thảo cuốn Từ điển Jrai-Việt (1994), góp phần vào việc tra cứu và giảng dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh ở buôn làng.

Có thể bạn quan tâm