TN - Đất & Người

Một thương binh nặng lòng với công tác xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ở tuổi đã hưu, song người cựu chiến binh ấy vẫn rất nặng lòng với công tác xã hội chỉ với một tâm niệm “muốn được làm nhiều việc hơn nữa cho những người từng là lính!”. Và người cựu chiến binh ấy hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh- ông Vũ Ngọc Luyện.
 

Ông Luyện vẫn miệt mài với công tác xã hội. Ảnh: Phương Dung
Ông Luyện vẫn miệt mài với công tác xã hội. Ảnh: Phương Dung

Cuộc đời của người cựu chiến binh này đã không ít lần phải đối diện với ranh giới “sinh-tử”. Từ những vết thương do bom pháo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến những vết đạn khi tham gia đội quân tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Để rồi sau chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, ông đã mang trên mình thương tật 41%.

Hồi ức lại những năm tháng đã qua, ông tâm sự: Năm 1972, khi đang là trợ lý quân lực của Đoàn 1 - Quân khu 5, tôi cùng một số anh em trong đơn vị nhận lệnh đi công tác xuống huyện Nghĩa Hành - tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng đoàn công tác mới đi được một đoạn thì bị máy bay địch ném bom và bắn pháo. Do bị địch tập kích bất ngờ, đoàn công tác có tôi và hai đồng chí khác bị thương, cũng may anh em du kích đã nhanh chóng đưa người bị thương về bệnh xá và cứu chữa kịp thời.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông lại tiếp tục tham gia vào đội quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia những năm 1982-1989. Năm 1986, lúc đó ông là cán bộ Cục chính trị Mặt trận 79, trong một lần đi công tác từ tỉnh Stung Treng đến Krache (Campuchia) để kiểm tra tình hình mặt trận, khi ngang qua cầu Ô bẹ thì đoàn công tác bị địch phục kích. Chúng gài mìn, bắn cháy xe khiến hai người trong đoàn hy sinh và 10 đồng chí khác bị thương - trong đó có ông… Và những vết thương trong những năm tháng chiến tranh ấy đã khiến cho thương binh Vũ Ngọc Luyện luôn đau nhức mỗi khi “trái gió trở trời”, có lẽ vì vậy mà ông được mọi người trong nhà gọi vui rằng: ông dự báo thời tiết!

Rời khỏi chiến trường, nhiều đồng đội của ông trở về với công việc ruộng nương, riêng ông vẫn gắn chặt đời mình với nghiệp “nhà binh” cho đến khi nghỉ hưu. Những tưởng ở tuổi đã hưu ông sẽ nghỉ ngơi và quây quần, vui vẻ bên con cháu, song ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương: từ bí thư chi bộ đến trưởng ban mặt trận tổ dân phố 1 (phường Hoa Lư).

Nhưng từ một anh lính đến một trưởng ban mặt trận tổ dân phố cũng chẳng dễ, bởi hàng ngày ông phải phối hợp với các hội, đoàn thể trong phường đi tuyên truyền, vận động người dân trong tổ dân phố thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”… Ông quan niệm khi còn sức khỏe thì sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho xã hội, mà hơn hết là ông muốn được làm nhiều việc hơn nữa cho những người từng là lính. Vì vậy, năm 2007, ông tham gia công tác tại Hội cựu chiến binh tỉnh trong vai trò là Trưởng ban Tổ chức - Chính sách. Công việc hàng ngày của ông đúng như mong muốn ban đầu là muốn làm nhiều việc hơn cho những người từng là lính. Vì ngoài xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cán bộ và tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ, chọn nguồn cán bộ tham gia Ban chấp hành… ông còn tham gia rà soát, giải quyết chế độ chính sách cho hội viên cựu chiến binh từ bảo hiểm y tế, chế đội thôi công tác Hội, phối hợp chăm lo cho gia đình thương binh liệt sĩ… nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho hội viên cựu chiến binh. Ông tâm sự: “Ở trong lính đã quen, giờ về nghỉ hưu nhưng cứ quanh quẩn trong nhà riết cũng chán. Tôi tham gia công tác Hội phần vì mong muốn được gặp gỡ với anh em, đồng đội cũ, phần vì muốn tiếp xúc với thế hệ cựu chiến binh mới và thấy mình vẫn còn có ích cho xã hội”.

Ngoài niềm vui tiếp tục được cống hiến nhiều hơn cho xã hội, thương binh Vũ Ngọc Luyên còn là một tấm gương sáng trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hàng ngày cứ hết giờ làm việc, ông lại một mình điều khiển xe máy xuống vườn cà phê tại xã Chư Á - cách nhà 11 km và miệt mài làm việc như một lão nông dân thực thụ. Có khi vào ngày mùa, nhân công khan hiếm, hai ông bà còn phải làm luôn những công việc nặng nhọc, như: phun thuốc sâu, leo thang cột dây tiêu… Ông kể: Trước đây gia đình tôi có hơn 1 hecta cà phê, song vì vườn cây đã già cỗi và cũng muốn chuyển đổi sang trồng cây tiêu nên gia đình chỉ giữ lại 500 cây cà phê còn lại trồng 1.000 trụ tiêu. Bình quân 1 trụ tiêu gia đình ông thu hoạch khoảng 6 kg và mỗi năm thu 3 tấn tiêu, 4 tấn cà phê nhân, trừ các khoản chi phí cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Để vườn cây đạt năng suất cao như thế, ông bảo do mình có bí quyết riêng. Và bí quyết ấy là luôn áp dụng các kỹ thuật vào canh tác từ cách chọn giống tiêu, bón phân kịp thời vụ, tưới đủ nước, cỏ phải làm khi mới vừa nhú lên, đặc biệt phải bón phân hữu cơ… Và cách làm riêng của một nông dân tay ngang như ông đã cho thu hoạch cao.

Số tiền thu được từ vườn cây trừ các khoản chi phí và để dành một khoản để đầu tư cho vụ sau, còn lại bao nhiêu hai ông bà lại vun vén lo cho các con, cháu mong sao chúng luôn có cuộc sống đầy đủ, ổn định. Có lẽ đó cũng là niềm vui mà tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn làm cho con cháu mình.

Ở tuổi 64 song, ngoài công việc ở Hội, ông vẫn thường xuyên cùng bà “đóng đô” dưới vườn cây còn ngôi nhà khang trang ở tổ dân phố 1, phường Hoa Lư dường như chỉ là nơi ông bà về nghỉ ngơi và họp mặt, quây quần bên con cháu vào mỗi dịp cuối tuần.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm