Đọt mây là phần ngọn của dây mây, dài hay ngắn phụ thuộc vào độ tuổi của cây mây. Lấy dây mây, người làng phải vào rừng sâu xa xôi, vất vả nên để kiếm được đọt mây càng khó khăn hơn.
Dù đến muộn hơn một số vùng trong tỉnh, song mưa ở làng cũng thường vào mùa từ cuối tháng 6 đầu tháng 7, kéo theo thời rộ của cỏ dại, rau rừng, của nấm, của măng và đồng thời cũng là mùa của đọt mây.
Sau những cơn mưa đầu mùa, đám dây mây cũ gặp mưa được đà trỗi dậy, sức sống dồn vào phần ngọn đua nhau chắc khỏe. Chỗ mấy bụi mây cũ đã được chặt từ năm trước cũng bắt đầu mọc lên những cây mây mới, non tươi và cuốn hút. Song đọt mây lấy từ những cây mây cũ luôn có kích thước dài hơn đọt mây từ những cây mây mới mọc lên từ trong lòng đất.
Ngày trước, làng ở bìa rừng nên lấy đọt mây dù có khó khăn vẫn chưa hẳn là vấn đề. Theo thời gian, rừng càng lùi xa thì công việc này ngày càng khó hơn. Đó còn chưa kể, dây mây thường chỉ mọc ở khu vực rừng già, địa hình núi cao, thung sâu. Đến được đó không hề đơn giản.
Đọt mây làm nên món ngon độc đáo. Ảnh: T.N |
Là món ngon của hiếm nên ngày trước, họ thường ưu tiên dành đọt mây cho những lúc gia đình có việc trọng đại hay việc chung của làng. Tuy vậy, bây giờ, khi làng đã thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa, thì cơ hội thưởng thức còn được nhường sang những người khách phương xa.
Mang nét đặc trưng ẩm thực ở làng, món ăn được chế biến từ đọt mây tuy đơn giản, song không kém phần độc đáo, bởi khi chín nó có hương vị rất riêng- vừa hơi nhân nhẩn đắng, vừa ngòn ngọt, lại beo béo, bùi bùi.
Đơn giản mà độc đáo nhất là đọt mây nướng. Trên đụn than hồng bếp lửa, từng đọt mây còn nguyên vỏ ngoài được đặt lên cho cháy hết lớp áo bọc. Khi bóc lớp vỏ ngoài ra, được lõi đọt mây bên trong trắng nuột, bốc khói, chấm với muối ớt lá é, ăn giòn mềm thật là thơm ngon.
Với hầu hết các món ăn được chế biến từ đọt mây thì món đọt mây nấu trong ống nứa được xếp vào hàng đặc sản. Có thể thuần là đọt mây, có khi đọt mây được nấu trong ống nứa cùng với thịt gà (hay thịt heo, sóc, dúi) hoặc nấu chung với cá suối, ốc đá. Tất cả đều vô cùng ngon lành, hấp dẫn bởi giữ được hương vị “nguyên bản”, dù chỉ cần ướp với chút muối cùng tiêu, ớt hay gừng rừng, riềng rừng. Bình thường, phổ biến dễ nấu dễ làm thì vẫn là đọt mây xào,luộc, nấu canh, đậm đà mát thanh hương vị.
Người Xơ Đăng ăn đọt mây thì không ngại bị đau bụng, đầy hơi, còn tránh được sốt rét nguy hiểm. Những lúc chẳng may “quá chén”, chỉ cần ăn nắm đọt mây là nhanh chóng tỉnh lại, chẳng lo xao nhãng công việc.
Giờ đây, khi mà rừng càng ngày càng xa, đọt mây càng khó tìm khó lấy, thì giá trị đặc sản của món ngon dân dã càng thêm được nâng niu, lưu giữ. Dây mây thuộc loại lâm sản dưới tán rừng có thể tranh thủ khai thác, sử dụng, song không vì thế mà người làng có thể tùy tiện khai thác theo lối tận thu. Hiểu được điều này, ai cũng tin sẽ tránh được nguy cơ mây rừng cạn kiệt.