Không bối rối sao được khi con nghỉ hè dài ngày nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm, trong khi trẻ em thường hiếu động, tò mò, thiếu kỹ năng sống nên dễ gặp tai nạn thương tích trong sinh hoạt, vui chơi. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, cả nước có khoảng 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có 6.500 trẻ tử vong. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với 3.500 trẻ em/năm. Chưa kể những nguy cơ đến từ không gian mạng.
Hội nghị tập huấn “Chung tay bảo vệ trẻ em” do Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức gần đây đưa ra thông tin: Tỷ lệ trẻ em nông thôn dùng internet là 88%, thành thị là 93%; tỷ lệ sử dụng nhiều nhất ở nhóm tuổi 12-15. Nhiều nguy cơ rình rập trẻ em khi tham gia mạng xã hội như bị phát tán, rò rỉ thông tin cá nhân; nghiện game, nghiện mạng xã hội; tiếp cận thông tin độc hại, không phù hợp với lứa tuổi... Cùng với đó, xuất phát từ sự lơ là, chủ quan của người lớn, không ít trẻ em phải chịu những tổn thương tâm lý sâu sắc do bị xâm hại.
Nhiều trẻ em được cha mẹ cho đi học bơi dịp hè để phòng tránh đuối nước. Ảnh: L.N |
Vì lẽ đó, nhiều năm qua, cả xã hội đã vào cuộc để cùng chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cao điểm là trong Tháng Hành động vì trẻ em, khi hè vừa chớm. Năm nay, Tháng Hành động có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” với các hoạt động tập trung hỗ trợ, chăm sóc trẻ em; tăng cường quyền tham gia của trẻ em; tổ chức kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh. Các địa phương trong tỉnh cũng đồng loạt khai mạc hoạt động hè, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: giải bóng đá mini thanh-thiếu niên, phát động luyện tập môn bơi, tổ chức hoạt động tình nguyện, mở các lớp năng khiếu, kỹ năng sống…
Dù vậy, phát biểu mới đây của ông Đặng Hoa Nam-Cục trưởng Cục Trẻ em-một lần nữa “đánh động” trách nhiệm chính yếu từ phía gia đình. Ông Nam nêu quan điểm: “Cha mẹ là người chăm sóc trực tiếp con em mình, nếu không làm thì không ai bảo vệ trẻ em tốt hơn. Không ai có thể tạo lập môi trường sống an toàn cho con em mình bằng chính cha mẹ. Nhà nước dù có chính sách, có truyền thông giáo dục, hỗ trợ gia đình nhưng cha mẹ không quan tâm thì trẻ em không được sống an toàn”.
Song, cũng chính vì tâm lý lo lắng cho sự an toàn của trẻ mà một bộ phận phụ huynh đã biến kỳ nghỉ hè thành “học kỳ thứ ba” với lịch tham gia các hoạt động và đặc biệt là lịch học thêm dày đặc. Cách thức đó với nhiều phụ huynh là vừa đỡ lo con em thiếu sự giám sát, vừa đảm bảo nắm vững kiến thức của năm học tới nhưng lại vô tình tước đi của con cơ hội được nghỉ ngơi, giải trí chính đáng. Áp lực học hành khiến nhiều trẻ rơi vào tâm lý căng thẳng, thậm chí chống đối.
Để trở thành cha mẹ thông thái, không ít phụ huynh đã chịu khó học hỏi trong việc đồng hành cùng con, thiết kế kỳ nghỉ hè bổ ích và lành mạnh. Tại Gia Lai, không ít phụ huynh nhanh nhạy tìm hiểu, liên hệ lên lịch cho con tham gia các lớp học bơi, đá bóng, cầu lông, aerobic, học lập trình online theo lối vừa học vừa chơi, học kỹ năng thoát hiểm và bảo vệ bản thân, tham gia hoạt động thiện nguyện...
Ngoài thời gian học kỹ năng, nhiều trẻ được cùng gia đình thưởng thức các hoạt động trải nghiệm cuối tuần như: du lịch, cắm trại, leo núi, về thăm quê. Một số phụ huynh chủ động hướng dẫn con biết cách phân bổ, sử dụng thời gian rỗi một cách hữu ích “khi mẹ vắng nhà” như: đọc sách, truyện; vẽ tranh; chơi các trò lắp ghép, hoàn thiện các mô hình kỹ thuật; hoặc đơn giản là phụ giúp bố mẹ làm việc nhà… Có phụ huynh khéo léo ra chủ đề cụ thể liên quan đến một lĩnh vực kiến thức nào đó và khuyến khích con tự tìm hiểu qua mạng internet, trao đổi với bố mẹ, từ đó rèn khả năng tư duy, sáng tạo. Bằng cách này, trẻ dần phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, hình thành trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Theo các chuyên gia tâm lý, quan trọng hơn cả là phụ huynh thường xuyên lắng nghe để hiểu rõ suy nghĩ, mong muốn của con. Đừng là người quyết định mà hãy đóng vai trò định hướng cho con tham gia các hoạt động lành mạnh. Không thể trách trẻ mê game và các trò vô bổ khi mà phụ huynh dành quá ít thời gian định hướng và đưa ra những lựa chọn giải trí khả dĩ, bổ ích khác.
Trong một xã hội nhiều biến động, thách thức như hiện nay, trẻ em cần được quan tâm sát sao hơn bao giờ hết; để các em có được một mùa hè đúng nghĩa, một bầu trời tuổi thơ đẹp đẽ, đong đầy bao kỷ niệm thân thương, đáng nhớ. Như tâm sự của cậu bé trong tập truyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần): “Hằng đêm, tôi vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ vừa “nhìn” ra khu vườn tưởng tượng. Tôi biết mình sẽ không bao giờ quên được, vì tôi vẫn còn nhớ lắm. Tôi nhớ tất cả những gì đã bay qua bầu trời của tôi”.