Mùa hè trải nghiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những chuyến đi tình nguyện mùa hè về buôn làng dù ngắn ngủi nhưng cũng để lại cho mỗi đoàn viên nhiều ấn tượng, cảm nhận sâu sắc và giúp họ có thêm kỹ năng cho cuộc sống.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Vừa qua, chương trình Hoa Phượng Đỏ 2017 do Ban Chấp hành Đoàn trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh) tổ chức tại làng Tung Will (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đã thu hút hơn 30 đoàn viên tham gia. Vì đang vào mùa lên nương rẫy nên việc tập trung vận động bà con trong làng thực hiện dọn vệ sinh, di dời chuồng gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn. Ngôn ngữ cũng là một trong những trở ngại, lại thêm việc nhiều đoàn viên lâu nay chưa tiếp xúc nhiều với đồng bào dân tộc thiểu số nên còn tâm lý e dè, ngại ngùng. Tuy nhiên, chỉ sau một vài lần trò chuyện, gần gũi, các bạn đoàn viên đã dần bắt nhịp, các phần việc cũng trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng và hoàn thành đúng kế hoạch.

 

Các bạn đoàn viên Trường THPT Nguyễn Thái Học cùng sinh hoạt vui chơi với thiếu nhi làng Tung Will. Ảnh: P.L
Các bạn đoàn viên Trường THPT Nguyễn Thái Học cùng sinh hoạt vui chơi với thiếu nhi làng Tung Will. Ảnh: P.L

Anh Trần Kim Anh-Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Thái Học, chia sẻ: “Trong 7 ngày, các đoàn viên Trường THPT Nguyễn Thái Học đã giúp dọn vệ sinh nhà, vườn cho các hộ chính sách, gia đình khó khăn, neo đơn ở làng Tung Will. Đoàn trường cũng sửa chữa, dọn dẹp hơn 5 km đường giao thông; phát quang bụi rậm, vận động dân làng đào 43 hố rác, đồng thời tuyên truyền bà con thực hiện lối sống hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường”. Không chỉ vậy, các đoàn viên còn giúp dân làng nạo vét 1 km kênh mương và khơi thông 3 cống thoát nước. Nhân dịp này, Đoàn trường THPT Nguyễn Thái Học còn tặng nhiều phần quà và 15 suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó học tập với tổng giá trị hơn 10 triệu đồng.

Cũng mới đây, tại làng Tok (xã Ia Glai, huyện Chư Sê), 30 đoàn viên của Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê) đã đến thăm hỏi, tặng quà và dọn dẹp vệ sinh giúp các gia đình chính sách. Ngoài ra, Đoàn trường còn trao học bổng, tổ chức trò chơi dân gian cho các em thiếu nhi và giao lưu bóng chuyền, bóng đá, văn nghệ với nhân dân trong làng.

Những ấn tượng sâu sắc

Dù chương trình tình nguyện hè của các Đoàn trường không kéo dài, song cũng đủ để các bạn đoàn viên thể hiện được bản thân, có nhiều trải nghiệm đáng quý trong cuộc sống. Suốt một tuần lễ, bỏ lại sách vở, thiết bị công nghệ hiện đại, những em học sinh tràn trề nhiệt huyết về với buôn làng ở nơi mình đang sống cùng sinh hoạt, giúp đỡ dân làng. Qua chuyến đi, qua những phần việc thực hiện được, điều đọng lại trong mỗi đoàn viên chính là những kỷ niệm đáng nhớ.

Lần thứ 2 tham gia chương trình tình nguyện nên bạn Trần Văn Nhật (lớp 11, Trường THPT Trần Cao Vân, huyện Chư Sê) đã tích lũy cho mình được chút ít kinh nghiệm. Thế nhưng, chất giọng Huế đã “làm khó” Nhật mỗi khi trò chuyện hay tập hợp các em thiếu nhi. “Mỗi lần mình nói, các em thiếu nhi không hiểu, mình lại phải nhờ người lớn trong làng dịch lại giùm. Dần dần các em cũng quen và hiểu mình muốn nói gì nên việc sinh hoạt trò chơi, văn nghệ diễn ra khá suôn sẻ. Mình thấy chương trình tình nguyện này rất bổ ích, tạo cơ hội cho những đoàn viên được gần gũi, giúp đỡ dân làng nơi mình sinh sống, từ đó tạo mối gắn kết bền chặt hơn”-Nhật tâm sự. Còn với bạn Nguyễn Thị Minh Tâm (lớp 11, Trường THPT Trần Cao Vân, huyện Chư Sê), được cùng các bạn tham gia nạo vét kênh mương, dọn dẹp đường làng… là kỷ niệm đáng nhớ trong mùa hè. Tâm bày tỏ: “Tuần lễ xanh hè 2017 đã để lại cho mình nhiều kỷ niệm đẹp về các em nhỏ ở làng Tok. Qua những ngày sinh hoạt ở đây, mình đã hiểu hơn những khó khăn trong cuộc sống của các em thiếu nhi và bà con dân làng. Đây cũng là dịp để mình cùng các bạn đoàn viên khác trong trường được gặp gỡ, gần gũi, hiểu biết lẫn nhau và thêm đoàn kết hơn”.

Anh Hồ Hoàng Thảo-Bí thư Đoàn trường THPT Trần Cao Vân, chia sẻ: “Hoạt động tình nguyện hè được tổ chức nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần thi đua, tình nguyện trong đoàn viên thanh niên, học sinh. Qua đây để giáo dục truyền thống, giúp các em hiểu được cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ và thắt chặt tình đoàn kết giữa học sinh các dân tộc trên địa bàn; tạo môi trường để đoàn viên thanh niên, học sinh rèn luyện, cống hiến; đồng thời thu hút sự quan tâm của xã hội đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học. Qua đó, các em có điều kiện giao lưu, học hỏi, rèn luyện thêm về sức khỏe và một số kỹ năng sống cần thiết”. 

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm