(GLO)- Nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ tăng cao. Các hãng hàng không, tàu hỏa cũng như xe khách cũng bắt đầu mở bán vé, đặt chỗ từ khoảng tháng 9-2022. Lợi dụng nhu cầu của hành khách, nhiều website giả mạo, “cò mồi” bán vé tàu đã xuất hiện, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Nhiều chiêu thức lừa đảo
Máy bay là phương tiện di chuyển giúp tiết kiệm thời gian cho hành khách. Vì thế, nắm được nhu cầu đi máy bay sẽ tăng đột biến trong dịp nghỉ Tết, một số đối tượng đã xây dựng nhiều website giả mạo các hãng hàng không nhằm trục lợi. Trao đổi với PV Dân Việt, bà Phạm Thị Nguyệt-Trưởng ban Tiếp thị và bán sản phẩm Vietnam Airlines-cho biết: Vietnam Airlines cũng đã từng bị các đối tượng xấu giả mạo kênh bán vé máy. Các website giả mạo bán vé máy bay được đặt tên địa chỉ gần giống website chính thức của Vietnam Airlines, chỉ khác một số chữ cái như: www.vietnamairslines.com; www.vietnamairlineshanoi.com... Các website này đã sử dụng trái phép hình ảnh, logo, nhãn hiệu của VNA, các sáng tác nghệ thuật, hình bông sen vàng của Vietnam Airlines đã được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Không chỉ vậy, các trang web này còn được tính toán để có thể hiển thị ngay ở trang nhất các công cụ tìm kiếm khi khách hàng tìm kiếm từ khóa về mua vé máy bay Vietnam Airlines.
Trang website giả mạo hãng hàng không Vietnam Airlines. Ảnh nguồn Báo Dân Việt |
Báo Hải Quan Việt Nam thông tin: Các website giả này thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, thông tin, hình ảnh mua bán, trao đổi vé máy bay trên các hội, nhóm công khai. Sau đó, khi có khách hàng hỏi mua, thỏa thuận xong giá cả, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền cọc trước và chụp ảnh vé máy bay giả gửi cho khách nhằm tạo lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều đặc biệt là giá vé được chào bán ở các website này có giá rẻ bất thường, thêm vào đó là việc vé chỉ được bán trong một khoảng thời gian nhất định từ 10 đến 15 phút, đã khiến cho nhiều người sập bẫy.
Một thủ đoạn khác phổ biến là đối tượng lừa đảo lợi dụng chính sách đặt vé, giữ chỗ trong vòng 24 giờ để lấy mã đặt chỗ gửi chuyển cho khách hàng, khiến khách hàng lầm tưởng có mã là đã có vé, cho nên thực hiện chuyển tiền.
Khi đã nhận được tiền, đối tượng không thanh toán với hãng hàng không và mã đặt chỗ sẽ tự hủy sau khi hết hạn mà khách hàng không được xuất vé. Đặc biệt, có trường hợp đối tượng vẫn tiến hành thanh toán, xuất vé cho khách để làm tin, nhưng sau đó làm thủ tục hủy vé để nhận lại tiền.
Cũng theo Báo Người Lao Động, đại diện Vietravel Airlines cho biết thời gian gần đây hãng có tiếp nhận vài trường hợp khách hàng liên hệ để kiểm tra lại thông tin hành trình sau khi đã xuất vé thành công cho các chặng bay quốc tế mà hãng đang không khai thác như chặng TP. Hồ Chí Minh-Gangwon". Đại diện Vietravel Airlines khẳng định, đơn vị không khai thác như chặng bay nêu trên và cảnh báo "Hành khách cần cẩn trọng với những website có giá vé rẻ bất thường so với thị trường chung.
Cẩn trọng, nói không với “cò mồi”
Nhằm đáp ứng nhu cầu cho hành khách, các hãng hàng không cũng đã tăng thêm chuyến bay nhằm đáp ứng nhu cầu và có khuyến cáo dành cho hành khách. Ngày 13-12, Vietnam Airlines cho biết đáp ứng nhu cầu tăng cao của hành khách, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) tiếp tục tăng thêm 224.000 chỗ (tương ứng tăng thêm hơn 1.500 chuyến bay) cho dịp cao điểm Tết từ 6-1-2023 đến 5-2-2023 (tức 15 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến 15 tháng Giêng năm Quý Mão).
Vietnam Airlines cũng khuyến cáo hành khách cần đặc biệt cảnh giác với những website bán vé máy bay không rõ nguồn gốc, tránh bị kẻ xấu lợi dụng lấy cắp thông tin cá nhân hoặc vô tình tiếp tay cho hành vi lừa đảo những người dùng khác trên không gian mạng. Hãng chỉ có duy nhất một website với tên miền là www.vietnamairlines.com để hành khách thực hiện các giao dịch mua vé trực truyến trực tiếp với Vietnam Airlines. Hành khách nên truy cập vào các trang thông tin điện tử hoặc gọi đến tổng đài hỗ trợ hành khách của các hãng hàng không để tìm hiểu các thông tin liên quan đến việc mua vé máy bay trực tuyến để tránh nguy cơ bị lừa đảo.
Hành khách không nên mua vé tàu "pass" lại qua các hội nhóm. Ảnh: Phương Vi |
Đối với vé tàu hỏa, hành khách cũng cần hết sức cẩn trọng, tránh mua phải vé giả hoặc vé không đúng với quy định, ngành Đường sắt hướng dẫn hành khách khi mua vé và đi tàu cần mang theo giấy tờ tùy thân được pháp luật công nhận (bản chính) và có thông tin trùng khớp với thẻ lên tàu. Hành khách không nên mua vé qua các đối tượng trung gian “cò mồi, chợ đen”, mạo danh nhân viên đường sắt mà chỉ mua vé qua website của ngành Đường sắt (www.dsvn.vn, vetau.com.vn); mua trực tiếp tại cửa bán vé của các ga hoặc tại các đại lý bán vé của đường sắt, mua qua các ứng dụng điện tử.
Hành khách không nên mua vé “pass” đang xuất hiện trên mạng. Vé “pass” có thể là vé khách khi mua có nhu cầu đi thật, sau đó không đi tàu nữa; hoặc đối tượng đầu cơ mua, sau đó bán lại hưởng chênh lệch. Dù trường hợp nào, nếu khách đi tàu không đúng với tên, số giấy tờ tùy thân thể hiện trên thẻ lên tàu hỏa và lưu trên hệ thống vé tàu điện tử sẽ không được đi tàu.
PHƯƠNG VI (theo Báo Dân Việt, Người Lao Động, Khánh Hòa)