Kinh tế

Mục tiêu chính của năm nay là ổn định kinh tế vĩ mô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đúng hướng. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Để tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 đạt mức trên 5% như chỉ đạo của Chính phủ cần rất nhiều giải pháp căn cơ và mạnh mẽ. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Võ Chí Thành- Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) xung quanh vấn đề này.
 

Ảnh: Minh Thi

- PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng qua?

TS Võ Chí Thành: Tình hình kinh tế 9 tháng qua cũng không nằm ngoài những đánh giá trước đó hoặc cách nhìn nhận gần đó của rất nhiều nhà phân tích và nhà nghiên cứu kinh tế.            

Nhìn một cách tổng quan, kinh tế nước nhà vẫn tiếp tục khó khăn, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh. Xuất khẩu tăng nhưng tốc độ giảm rất nhiều tổng dư nợ tín dụng có tăng trưởng so với hồi cuối năm ngoái nhưng rất chậm (2,35%), mặc dù một số chỉ số như GDP, sản xuất công nghiệp và tồn kho có nhích lên.          

 

Chính vì vậy, tuy tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng cải thiện sau từng quý, quý sau cao hơn quý trước, cụ thể GDP quý I tăng 4%, quý II tăng 4,66%, quý III ước tăng 5,35%  nhưng tính chung GDP 9 tháng chỉ đạt khoảng 4,73%. Và dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2012 chỉ đạt từ 5-5,2%.            
 

Ảnh: Minh Thi

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số chỉ số kinh tế vĩ mô như: cân đối cán cân thanh toán quốc tế, thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, lạm phát giảm khá nhanh... là những dấu hiệu tốt của nền kinh tế.            

- PV: Vậy theo ông, những yếu tố nào đã ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của nền kinh tế?       

TS Võ Chí Thành: Theo tôi, yếu tố tác động lớn nhất là từ hệ thống tài chính ngân hàng. Trong khi một số ngân hàng yếu kém chưa xử lý xong thì tình trạng nợ xấu đến nay chưa có kết luận cuối cùng về phương án xử lý.      

Liên quan đến thu ngân sách với mức thu đang giảm rất mạnh làm ảnh hưởng đến nhu cầu chi cho phát triển kinh tế. Không những thế, năm nay lạm phát được dự báo ở mức khoảng 7,5-8,5%, nhưng tôi cho rằng rủi ro là vẫn có, mặc dù không thật cao nhưng xác xuất vẫn có thể xảy ra những biến động cơ bản của hàng hóa theo hướng bất lợi.     

Bên cạnh đó, liên quan đến tính thời vụ của giai đoạn “bí” vốn, nếu chúng ta điều chỉnh chính sách vĩ mô trong quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp không khéo có thể khiến lạm phát đi lên, do các doanh nghiệp có thể “no dồn đói góp” đẩy nguồn tiền ra bên ngoài.       

Tóm lại, nhìn về nền kinh tế thực tuy có một vài chỉ tiêu tăng nhưng nhìn chung còn rất khó khăn. Theo tôi, câu chuyện này không chỉ là của 3 tháng cuối năm nay mà là câu chuyện của cả năm 2013 cho mục tiêu chính sách vĩ mô.       

- PV: Vượt qua khó khăn, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay, theo ông, chúng ta cần tiếp tục triển khai những giải pháp nào?       

TS Võ Chí Thành: Trước mắt, chúng ta cần tập trung xử lý những vấn đề ngắn hạn và bắt tay vào việc thay đổi cách thức phát triển nền kinh tế Việt Nam.       

Thời gian qua chúng ta còn thiếu một sự cương quyết, triệt để trong sự linh hoạt cần thiết… do vậy, trong thời gian tới, tôi cho rằng cần lấy mục tiêu ổn định kinh tế làm trọng tâm, bên cạnh việc linh hoạt xử lý các chính sách, các biện pháp, đặc biệt là các chính sách vĩ mô để hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp.      

Hiện nay, việc xử lý những ngân hàng hoạt động yếu kém hay tái cơ cấu ngành ngân hàng không chỉ là khơi thông nguồn tín dụng cho sản xuất kinh doanh mà phải làm cho hệ thống ngân hàng thực sự lành mạnh, thực sự là một trung gian tài chính hiệu quả, để chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư và tạo ra GDP.       

Ngoài ra, có thể thêm các chính sách khác như khơi dòng tín dụng tốt hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, theo tôi tăng trưởng tín dụng ở mức 8% là rất khó thực hiện, chỉ có thể đạt mức 6%. Đồng thời thực hiện kế hoạch đầu tư công cho hiệu quả và thêm những giải pháp cho cả bên "cung" lẫn bên "cầu" hỗ trợ cho doanh nghiệp…       

Bên cạnh đó, cần triệt để và quyết liệt hơn trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, mặc dù quá trình này là khó khăn nhưng chúng ta phải “chịu đau” và phải làm, với tinh thần là không vội vã, bình tĩnh và có lộ trình, có bài bản…       

- PV: Vậy mục tiêu chính của năm nay có phải là ổn định kinh tế vĩ mô?       

TS Võ Chí Thành: Ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ trong năm nay mà là câu chuyện của cả năm sau. Vấn đề là chúng ta cần xử lý mức trồi sụt quá đáng của nền kinh tế, mà cơ bản nó là một phần của quá trình thay đổi cách phát triển kinh tế của Việt Nam sao cho nguồn lực phân bổ có hiệu quả hơn và sản phẩm đầu ra được phân bổ công bằng hơn.       

Như vậy, đi kèm là những chính sách vĩ mô cần phải thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt. Do bối cảnh kinh tế thế giới còn bất ổn định nên trong quá trình thực hiện chúng ta có điều chỉnh cho phù hợp. Tóm lại, hồi phục nền kinh tế phải gắn với thay đổi cách làm và cách tăng trưởng. Tôi cho rằng mục tiêu của năm nay là cần ổn định kinh tế vĩ mô.       

- PV: Trước những diễn biến của nền kinh tế trong năm 2012, theo ông chúng ta có nên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2013?       

TS Võ Chí Thành: Cho đến nay, đã có một số dự báo về kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Và một trong những “kịch bản” được đưa ra là kinh tế thế giới trong năm 2013 còn khó khăn nhưng có chiều hướng đi lên, cũng như có triển vọng tốt hơn. Theo đó, một số dự báo cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2013 có thể đạt mức cao hơn. Nếu năm nay đạt mức 5-5,2% thì năm sau tăng trưởng kinh tế có thể đạt quanh mức 5,5%.     

- PV: Xin cảm ơn ông! 

Thúy Hiền (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm