Thời sự - Bình luận

Mục tiêu không viển vông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hôm nay 12-2, Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 và kéo dài tới ngày 19-2, làm việc cả ngày thứ bảy.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có đề án bổ sung của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% hoặc cao hơn nếu điều kiện thuận lợi.

Đây rõ ràng là mục tiêu đầy thách thức. Tại hội nghị giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ vào ngày 6-2 để chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong các chỉ tiêu, việc thực hiện khó nhất là chỉ tiêu tăng trưởng.

Thực tế, trong 5 năm 2016-2020, chưa năm nào kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8%. Còn trong 5 năm gần đây, chỉ có năm 2022 kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8,02%, nhưng đó là trên nền tăng trưởng thấp của năm 2021 - năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Quý 3-2021, mức tăng trưởng thậm chí còn rớt sâu (-6,17%).

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 7,09% trong năm 2024. Tăng trưởng 8% trở lên trên nền tăng trưởng cao như vậy, lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn, kinh tế trong nước còn những yếu kém nội tại chắc chắn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

Nhưng đây không phải là một mục tiêu viển vông, không có cơ sở. Chính phủ đã tổ chức hội nghị với các địa phương và từ đó lần đầu tiên trên cơ sở sự đồng thuận của địa phương, đã thực hiện cơ chế “khoán tăng trưởng”.

Theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5-2-2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương của Chính phủ, có 17 địa phương được giao tăng trưởng ở mức 2 con số. Mục tiêu cao, áp lực lớn, buộc lãnh đạo các địa phương phải dốc hết sức lực và trí tuệ, phải lao tâm khổ tứ, phải thu phục nhân tâm, phải đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ khác và làm khác.

Đây thực sự là một sự thay đổi lớn về tư duy điều hành kinh tế vĩ mô đúng theo tinh thần phân cấp mạnh, toàn diện cho địa phương theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Trách nhiệm của Chính phủ trong hỗ trợ địa phương đạt mục tiêu tăng trưởng cũng rất nặng nề. Giúp địa phương hoàn thành được mục tiêu, Chính phủ phải tạo được động lực đủ mạnh và không gian thể chế đủ rộng để các địa phương khai thác hiệu quả nhất tiềm năng sẵn có; để các địa phương không chỉ được quyết “làm gì”, mà cả “làm như thế nào”; không phải xin ý kiến cơ quan trung ương, cơ quan cấp trên.

Vai trò “nhạc trưởng” của trung ương cũng vô cùng quan trọng để đảm bảo không có tình trạng “xé rào” pháp luật vì cạnh tranh tăng trưởng giữa các địa phương; đảm bảo sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng giữa các tỉnh, thành trong vùng kinh tế, phát huy tốt nhất thế mạnh của từng địa phương và hiệu quả kết nối. Trường hợp cần thiết, Chính phủ thực hiện bảo lãnh để các địa phương vay thêm vốn đầu tư các dự án quan trọng.

Cũng phải nói thêm, cảnh báo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra đề án của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiểm soát lạm phát; đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong trường hợp phải “tháo” trần nợ công, nợ nước ngoài và điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước là hoàn toàn có cơ sở. Công tác điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ, vì vậy, cần hết sức linh hoạt, nhịp nhàng.

Cùng với đó, điều hành chi cần bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, an sinh xã hội; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công trước mắt và trong dài hạn.

Theo ANH THƯ (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm