Tôi ngửi thấy mùi ngai ngái của đất đai, ruộng vườn, mùi hăng hăng của khói bếp, mùi ngòn ngọt lẫn vị cay cay của mẻ mứt gừng đang rim tới, mùi nồng nồng của lá chuối lẫn trong mùi thơm thơm gạo nếp mới của nồi bánh tét đang sùng sục sôi. Tất cả sao mà thơm tho, mà nồng nàn, mà da diết.
Mùi bếp, mùi Tết đang hiện hữu xung quanh hay là chính tôi đang thương nhớ về mùi bếp, mùi Tết nơi xa ngái. Nơi những an yên còn đọng lại, nơi những kỷ niệm đi cùng với những trải nghiệm mãi luôn hồi cố trong tôi mỗi dịp Tết về.
Vào dịp giáp Tết, nhà tôi bao giờ cũng nhiều việc. Chả là mẹ tôi phải bận công việc ở trường nên nghỉ muộn, chị gái đầu đi học xa nhà từ nhỏ, bao nhiêu là việc cho ngày tết dồn lại, mẹ cấm tôi không được theo chúng bạn đi chơi xa. Riết rồi thành quen, mấy ngày cận Tết, bao giờ tôi cũng luẩn quẩn cùng mẹ và các chị bên gian bếp nhỏ ám khói. Lúc thì làm chân lăng xăng chạy vặt, lấy hộ cái này, cầm giúp cái kia. Lúc thì được mẹ tin cẩn, giao cho hẳn trọng trách ngồi canh bếp, chỉ dẫn ém cho lửa nhỏ riu riu để rim mẻ mứt gừng trọn vị.
Có lẽ vì cái chân lăng xăng chạy vặt đó mà lạ thay, cho đến tận bây giờ, mùi bếp những ngày cận Tết luôn ăm ắp, luôn kích thích mọi giác quan, luôn đánh thức trong tôi đủ đầy cảm xúc. Chỉ cần một mùi hương quen thuộc ngang qua, có khi là mùi hăng hắc của khói lá phi lao không đượm nắng, có khi mùi ngòn ngọt, beo béo của đường, của bột, của trứng gà trộn lẫn vào nhau trong chiếc bánh xoài là lòng lại xốn xang, lại bồi hồi thương nhớ.
Đồng lương nhà giáo ngày ấy eo hẹp, mẹ tôi cả một đời còng lưng với đàn heo, nồi rượu, hè về đôn đáo ngược xuôi từ chợ này sang chợ khác cho anh chị em tôi được no đủ đến trường nên khi nào cũng căn cơ, tằn tiện. Chỉ đến Tết, mẹ mới hào phóng chi chút sắm sanh, mua cái này, làm món kia cho anh chị em tôi bằng bạn bằng bè. Nói là hào phóng cho sang vậy thôi, năm nào cũng vậy, mẹ thể nào cũng điệp khúc nấu nồi bánh tét, làm nồi bánh ít, làm mẻ mứt gừng, đúc ít bánh xoài. Để có thức ăn cho mấy ngày Tết, ngoài mấy con gà đã nuôi sẵn để dành Tết, mẹ ngâm thêm dưa hành, làm món thịt heo nấu đông, mua ít giò chả, thêm ít su hào, bắp cải để sẵn nơi góc bếp.
Lo toan cho các con đủ cơm ăn áo mặc quanh năm, đến Tết lại xúng xính, đủ đầy món nọ, món kia, xóm làng ai cũng khen mẹ tôi giỏi giang, tháo vát. Mà tôi thấy mẹ tôi đảm đang, tháo vát thật. Kiểu như mẹ tôi đã cẩn thận rưới lên từng món ăn hương vị của yêu thương, kiểu như mẹ tôi đã tưới tắm vào không gian bếp ngày Tết những mùi tảo tần, những vị chăm chút. Nên qua bao nhiêu mùa Tết cũng từng đó món, qua bao nhiêu mùa Tết cũng từng đó mùi, từng đó vị nhưng chẳng hiểu sao tôi đều khắc ghi, đều ngóng, đều chờ.
Trước mỗi buổi chợ tết, mẹ cẩn thận ghi ghi chép chép vào cuốn sổ nhỏ. Lỉnh kỉnh chở về bao gạo ở phía sau, còn măng, còn miến, còn bao nhiêu thứ gia vị, thịt thà, mẹ chất vào làn treo ở ghi đông đằng trước. Lúi húi vuốt lại mấy đồng tiền lẻ cất vào hộp, mẹ xắn tay áo lên soạn sửa, sắp xếp đồ đạc, còn tôi lại lăng xăng với chân sai vặt lấy cái nọ, rửa cái kia.
Giờ đây, tôi nhận ra rằng, mùi vị của ngày tết trong tôi chính là bắt đầu từ những hôm chạy lăng xăng bên căn bếp nhỏ. Tết năm nào, làng tôi cũng rét lạnh. Trời mưa rét càng khiến cho mẹ tôi thêm tất tả và tất nhiên chị em tôi thêm chộn rộn. Dưới sự sắp đặt của mẹ, tôi cùng cậu em trai hết tỉ mẩn cạo vỏ từng củ gừng, chuyển sang lau từng miếng lá chuối xanh mà mẹ tôi đã sắp xếp thành từng tệp để gói bánh tét, bánh ít, lại cẩn thận lau xếp từng chiếc dĩa, chiếc bát để đôi hôm nữa, mẹ thành kính nấu nấu, nêm nêm, rồi múc vào đó từng món ăn đặt trên bàn thờ mời ông bà tổ tiên về đón Tết cùng con cháu.
Trong tất bật của những ngày giáp Tết, mùi đụn rơm mốc từ mấy nhà bên nồng lên ngai ngái quyện với mùi thanh thanh của hoa bưởi lác đác nở trong vườn. Mùi khói bếp của những ngày mưa rét củi lá không khô đượm, mùi lá chuối xanh, mùi gừng, mùi kho xào các món cho mâm cỗ cúng tất niên, mùi hương trầm phảng phất trong các lối ngõ, mùi nồng nồng của vườn hoa thược dược đủ sắc màu cha trồng trước sân và cả mùi vôi từ những ngôi mới được quét lại để đón Tết.
Những mùi đó dâng lên ngập tràn khiến tôi cảm giác như chính những ngày đó đã chạm tay vào với Tết. Tôi cũng không rõ như vậy là Tết đến nhanh hay đến chậm. Nhưng rõ ràng Tết đã về bên tôi, hiển hiện bằng thanh, bằng mùi, bằng vị. Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy nôn nao những hy vọng, những mới mẻ, những sum vầy.
Nhắc đến mùi bếp, mùi Tết, thể nào tôi cũng nhớ đến mùi vị của món bánh ít. Mấy chục năm ra Bắc vào Nam, chiếc bánh ít đã bao lần đổi vị, nhưng mùi bánh ít của mẹ làm ngày ấy nghe chừng lòng tôi vẫn ngóng trông, vẫn khấp khởi reo vui như hát. Để làm nên chiếc bánh ít nho nhỏ, xinh xinh, từ những ngày đầu tháng Chạp, mẹ đã đong gạo nếp, phần nhiều để gói bánh tét, phần ít hơn để nấu xôi và làm bánh ít. Gạo nếp mẹ xay mịn, còn nhân bánh cũng tùy, năm thì nhân đậu xanh xào lên với hành, tiêu, năm sang hơn tí là mộc nhĩ và thịt heo thái nhỏ. Trên miếng lá chuối cắt nhỏ vừa tầm lòng bàn tay, mẹ khéo léo đặt ít nhân giữa miếng bột nhỏ được tán mỏng, rồi cuộn tròn lại, gấp nếp lá cho khép mí thành hình chữ nhật vuông vắn sắc cạnh. Bánh hấp lên, mùi lá chuối xanh, mùi nếp mới, mùi thịt, mùi tiêu, mùi hành củ trộn lẫn vào nhau thoang thoảng đưa hương, ấm cả những chiều giá lạnh cuối năm. Đôi chân tôi nghe ngóng khấp khởi, cánh mũi bé xíu phập phồng hít hà, đợi mẹ hào phóng thưởng cho bé con gần út ít đôi cái mà ăn trước.
Tiết trời càng lạnh, mùi bếp càng nồng. Mấy chục năm trôi qua, mùi bếp, mùi Tết vẫn luôn dẫn dắt tôi về một nẻo quê nhà để được neo mình trong sâu lắng, an yên, trong thanh âm, trong mùi vị của ký ức rộng dài. Tất cả đều thảo thơm mộc mạc, đều ăm ắp nâng niu. Mỗi khi vô tình ngang qua mùi hương, chỉ là chút cay nồng, ngòn ngọt của mẻ mứt gừng đang dậy mùi, chỉ chút ngai ngái của mùi lá chuối xanh gói bánh ít, bánh tét, lại như được trở về ngày xa, được dịu dàng như tình yêu của mẹ, được mạnh mẽ như níu kéo của quê hương vào những ngày Tết đến xuân về.
Bước chân tôi giờ đã đi muôn nẻo xa. Nhưng dù có xa bao nhiêu, có đến bao chân trời lạ, mỗi dịp Tết về, mùi khói bếp, mùi mứt gừng, mùi kho xào các món ăn, mùi lá chuối xanh, mùi nếp của nồi bánh ít, bánh tét xen lẫn mùi hương trầm phảng phất, mùi nồng nồng của vườn hoa thược dược đủ sắc màu cha tôi trồng trước sân luôn là chỉ dấu dẫn đường để tôi từ nơi xa mau rảo bước tìm về miền thương mà vui đón Tết.
Theo Nguyên Phúc (baokontum.com.vn)