Báo xuân 2025

Phong vị ngày Tết

Nỗi lòng người trẻ đón Tết xa quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết Nguyên đán là thời điểm mà ai cũng muốn được đoàn tụ bên gia đình sau một năm nhiều nỗ lực trong công tác, học tập. Những ngày này, nhiều người trẻ đang tất bật về quê đón một cái Tết đoàn viên, song cũng có người vẫn đang ở nơi xa xứ, đón năm mới trên đất khách quê người.

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến rất gần. Khi không khí Tết trong cả nước đang ngập tràn cũng là lúc những người con xa quê chạnh lòng với nỗi nhớ sắc mai vàng rực rỡ, cành đào đỏ thắm hay cảm giác được cùng nhau quây quần với gia đình bên nồi bánh chưng nghi ngút khói…

nguyen-tong-tran-trong-nghia-sn-2001-to-2-phuong-thong-nhat-tp-pleiku-hien-dang-theo-hoc-nganh-ke-toan-truong-dai-hoc-kinh-te-nhat-ban-o-fukuoka-nhat-ban-anh-nvcc.jpg
Nguyễn Tống Trần Trọng Nghĩa hiện đang theo học ngành Kế toán (Trường Đại học Kinh Tế Nhật Bản) ở Fukuoka. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về cảm nhận khi phải đón Tết xa nhà, bạn Nguyễn Tống Trần Trọng Nghĩa (SN 2001; trú tại tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) thổ lộ: Hiện mình đang theo học ngành Kế toán của Trường Đại học Kinh tế Nhật Bản ở Fukuoka. Năm đầu tiên mình sang Nhật là vào khoảng tháng 12-2022, đúng dịp cuối năm cận kề. Mình vừa sang nên cũng không thể về nhà đón Tết.

Đêm Giao thừa năm đó, mình cùng các bạn học chung lớp hẹn nhau về nhà nấu ăn chung. Chúng mình làm một vài món bánh mứt truyền thống để vơi bớt nỗi nhớ hương vị Tết quê nhà. Rồi cả nhóm ngồi quây quần bên nhau, trò chuyện và gọi điện cho người thân để đón giao thừa online. Khoảnh khắc ấy tuy đơn giản nhưng đã phần nào giúp mình cảm thấy ấm áp hơn nơi đất khách”.

Nghĩa tâm sự: “Tết với mình luôn có nhiều kỷ niệm. Ở Việt Nam, trước Tết khoảng 1 tuần là thời gian mình thích nhất. Mình cùng em gái dọn dẹp nhà cửa, đi chợ hoa, sắm đồ Tết cùng bố mẹ. Lúc đó, quán xá đâu đâu cũng mở nhạc xuân, chợ hoa rực rỡ, mọi người nhộn nhịp treo đồ Tết, khiến ai cũng thấy nôn nao.

Nhưng ở Nhật thì khác. Có lẽ vì họ đón Tết Dương lịch gần với Giáng sinh nên không có không khí rộn ràng như ở quê mình. Điều đó khiến mình càng nhớ Việt Nam hơn vào những ngày cận Tết này”.

Tương tự, bạn Lại Thị Thanh Huệ (24 tuổi; thôn Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) hiện đang là du học sinh năm 4 ngành Ngôn ngữ Văn học Hàn Quốc tại Đại học Myongji (Hàn Quốc). Sau 5 năm du học, đến nay, Huệ mới có đủ điều kiện cũng như cơ hội để trở về Gia Lai đón Tết cổ truyền cùng gia đình.

ban-lai-thi-thanh-hue-24-tuoi-thon-phu-my-xa-ia-bang-huyen-chu-prong-hien-dang-la-du-hoc-sinh-nam-4-nganh-ngon-ngu-van-hoc-han-quoc-dai-hoc-myongji-han-quoc-anh-nvcc.jpg
Năm nay, bạn Lại Thị Thanh Huệ (thôn Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đã sắp xếp về Gia Lai đón Tết cùng gia đình sau 5 năm du học tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

Cô bạn chia sẻ: "Cứ mỗi dịp năm mới đến, trong lòng mình lại nôn nao ngày được trở về nhà cùng bố mẹ. Những ngày cận Tết, không khí của du học sinh bên này nhộn nhịp lắm, ai cũng đăng bài lên mạng xã hội hỏi nhau về việc ra sân bay có đông người không, xuất cảnh, nhập cảnh có đông không? Mặc dù mình cũng đã có kế hoạch về Tết từ 2 tháng trước nhưng những bài viết đó làm nỗi nhớ nhà của mình càng tăng dần. Mình nhớ Gia Lai, nhớ người thân và bạn bè nhiều lắm! 5 năm rồi, mình mới lại có được cảm giác đoàn viên”.

nhieu-du-hoc-sinh-tham-gia-ngay-hoi-sac-xuan-xuan-at-ty-2025-do-chi-hoi-sinh-vien-viet-nam-tai-dai-hoc-sejong-to-chuc.jpg
Nhiều du học sinh tham gia Ngày hội Sắc Xuân-Xuân Ất Tỵ 2025 do Chi hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Sejong (Hàn Quốc) tổ chức. Ảnh: BTC

Trong kỳ nghỉ Tết đặc biệt này, Huệ cho biết bản thân sẽ dành phần lớn thời gian để phụ giúp bố mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị cỗ bàn và đón chờ một năm mới nhiều may mắn, thuận lợi. Chia sẻ về dự định trong năm 2025, Huệ cho hay, sau khi tốt nghiệp đại học, cô bạn dự định sẽ học tiếp lên thạc sĩ tại Hàn Quốc và tìm kiếm công việc để trau dồi kinh nghiệm trước khi về nước.

Vừa đi xuất khẩu lao động được 1 năm, bạn Bùi Thị Hồng Sinh (SN 2002; trú thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) lần đầu tiên đón Tết cổ truyền Việt Nam ở đất nước mặt trời mọc.

Sinh bồi hồi chia sẻ: “Những ngày cuối năm này, trong em có 2 luồng cảm xúc. Thứ nhất, em rất nhớ gia đình, bạn bè và những người thân ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù không được ăn Tết cùng gia đình nhưng em nghĩ đây cũng là cơ hội cho bản thân được tiếp xúc các văn hóa khác nhau ở một đất nước mới; qua đó, em có thể hiểu rõ hơn về nơi mình đang làm việc”.

hong-sinh-cung-da-cung-nhung-nguoi-viet-lam-viec-tai-tokyo-nhat-ban-tham-gia-giai-bong-da-giao-luu-khai-xuan-2025-vao-dip-tet-duong-lich-de-vui-xuan-don-tet-anh-nvcc.jpg
Bùi Thị Hồng Sinh (ngồi thứ 2 từ phải sang) cùng những người Việt Nam làm việc tại Tokyo (Nhật Bản) tham gia Giải bóng đá giao lưu Khai xuân 2025 vào dịp Tết Dương lịch để vui xuân đón Tết. Ảnh: NVCC

Mặc dù vẫn phải đi làm, không được đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 theo phong tục cổ truyền hay thưởng thức hương vị Tết qua các món ăn truyền thống nhưng Sinh cũng đã cùng những người Việt làm việc tại Tokyo (Nhật Bản) tham gia Giải bóng đá giao lưu Khai xuân 2025 vào dịp Tết Dương lịch để vui xuân đón Tết theo cách riêng của người Việt xa quê.

Còn với bạn Phan Trúc Quỳnh (SN 2003; tổ 6, phường Phù Đổng, TP. Pleiku)-du học sinh năm 3 tại Texas Christian University (bang Texas, Mỹ), Tết luôn là thời điểm nhớ nhà nhất.

“Vài năm nay, dù đi học xa nhà không được đón Tết bên mẹ, nhưng em luôn mong mẹ và gia đình mình sẽ đón một cái Tết thật ấm cúng và đủ đầy tại Việt Nam. Ở Mỹ, em dự định sẽ đón Tết cùng một vài người bạn, thưởng thức bánh chưng, bánh tét và đón Giao thừa online với gia đình ở Việt Nam vì chênh lệch múi giờ"-Quỳnh chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm