(GLO)- Mùng 2 Tết, từ sáng sớm, phố phường đã nhộn nhịp trở lại, nhất là tại các chợ.Với nhiều người, đi chợ không chỉ để mua hàng tươi ngon cho bữa ăn ngày Tết, mà còn là mua lộc cầu may cho một năm mới làm ăn thuận lợi. Vì thế, các mặt hàng được bày bản chủ yếu là hoa, rau củ, thịt, cá được trồng, nuôi ở nhà mang ra chợ bán.
Theo ghi nhận của P.V, ngay từ sáng sớm ngày mùng 2 Tết, tại các chợ trên địa bàn TP Pleiku, tỉnh Gia Lai như Trung tâm Thương mại Pleiku, Bà Định, Yên Thế, Hội Thương, Hoa Lư... đã họp trở lại. Phiên chợ mùng 2 Tết, việc mua bán không mang nặng tính kinh doanh. Điều quan trọng, mọi người đến chợ để mua chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho nhau năm mới sức khỏe, gia đình thuận hòa, phát tài phát lộc.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (tổ 5, phường Đống Đa, TP Pleiku) chia sẻ: “Năm nào cũng thế, vào mùng 2 Tết tôi thường ra chợ để lấy may. Cảm giác đi buổi chợ đầu tiên trong năm mới rạo rực khó tả lắm. Đi chợ đầu năm rất dễ chịu. Ông bà ta thường nói “đầu năm mua muối” nên hầu như năm nào tôi cũng đi chợ mùng 2 Tết. Đầu tiên là mua muối để cầu may mắn cho bản thân và gia đình trong năm và mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái, sau đó là mua thức ăn tươi sống về chế biến mâm cơm ngày Tết”.
Cá tươi được lựa chọn nhiều nhất trong phiên chợ mùng 2 Tết. Ảnh: Đinh Yến |
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết chợ đầu Xuân đều diễn ra đơn giản và kết thúc khá sớm. Các quầy hàng đầu năm cũng không cần phải quá cầu kỳ, chỉ vài ba cái rổ, hay một kệ hàng nhỏ, người bán có thể bày bán những mặt hàng thiết yếu. Phần lớn người bán hàng đều mang những mớ rau tươi ngon trồng trong vườn nhà, cá, gà, hoa tươi, trầu cau... ra chợ bán lấy may ngày đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Lan (tổ 2, Yên Đỗ, TP Pleiku) cho hay: “Tôi bán những buổi chợ đầu năm như thế này cũng được 8 năm nay. Năm nào cũng thế, như một thói quen, sáng mùng 2 Tết hàng năm tôi bày bán, các mặt hàng đều là do gia đình tự trồng như các loại rau cúc, rau cải, bầu bí, dưa chuột...” Theo chị Lan, phiên chợ đầu năm, không đơn thuần là bán hay mua những hàng hóa thường ngày mà còn bao hàm ý nghĩa cầu may, mua lộc, vì thế, tôi chỉ bán hàng duy nhất vào sáng mùng 2 Tết, còn ngày thường tôi làm công nhân ở xưởng gỗ.
Bà Lưu Cúc bán trầu, cau, muối để cầu lộc may mắn cho mọi người. Ảnh: Đinh Yến |
Còn với bà Lưu Cúc (bán hàng tại chợ Hội Thương) cho hay: “Năm nào cũng thế, như một thói quen, sáng mùng 2 Tết hàng năm tôi bày bán lá trầu, cau tươi và muối. Mà phải là lá trầu còn nguyên cuốn, lá phẳng phiu, không bị dập nát. Cau thì trái to đẹp. Có như vậy người mua mới hài lòng và mình buôn bán cũng sẽ suôn sẻ cả năm”.
Ngoài việc tìm mua “lộc” đầu năm thì nhiều người cũng ra chợ để tìm mua rau quả, thịt, cá tươi để phục vụ cho gia đình mình trong những bữa cơm Tết tiếp theo. Những năm gần đây, người dân không còn đổ xô mua thực phẩm dự trữ ăn Tết như trước. Sáng sớm mùng 2 Tết, ông Nguyễn Văn Nhiên (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) chở vợ ra chợ Bà Định mua thực phẩm tươi để thay đổi thực đơn bữa cơm ngày Tết.
“Chợ mùng 2 Tết năm nay, giá cả vẫn như ngày thường. Thịt heo mông 100.000 đồng/kg, thịt bò 250.000 đồng/kg, cá trắm cỏ 80.000 đồng/kg, cá thác lác sông Sê San 250.000 đồng/kg, còn rau cải, rau lang, xà lách vẫn giữ nguyên như ngày thường 5.000 đồng/bó. Vì thế, Tết bây giờ, gia đình tôi không còn phải mua thực phẩm dự trữ nữa. Mua thực phẩm tươi về chế biến vừa ngon vừa an toàn, đảm bảo sức khỏe”-ông Nhiên chia sẻ.
Có lẽ thế, cả người bán, người mua đi chợ mùng 2 Tết đều mong mọi điều may mắn, tốt đẹp đến với mọi người, mọi nhà. Một năm làm ăn may mắn, phát tài, phát lộc, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc.
Đinh Yến