Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Muôn nẻo đường đến với sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm gần đây, văn hóa đọc thường hay được nhấn mạnh khi ngày càng nhiều người trẻ thờ ơ với sách do sự lấn át của văn hóa nghe nhìn. Chính vì vậy, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, đem đến một kho tri thức khổng lồ, hỗn độn thì sách lại phải tự tìm độc giả theo những con đường riêng của mình.

Giới trẻ và văn học mạng

Thời gian gần đây, những người yêu thích đọc sách chứng kiến sự lên ngôi của văn học mạng. Gào, Hamlet Trương, Iris Cao, Leng Keng, Nguyễn Ngọc Thạch, Hoàng Hải Nguyễn, Tony buổi sáng… nổi danh nhờ internet. Những bài viết, tản văn, truyện ngắn được đăng tải trên trang cá nhân của họ nhanh chóng nhận được sự yêu thích của cộng đồng mạng, từ đó thôi thúc độc giả tìm mua sách để đọc trọn vẹn. Cùng với đó, những nhà văn đã nổi danh, như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy… tiếp tục chứng tỏ “sức nóng” của mình với hàng chục ngàn lượt theo dõi trên trang cá nhân. Có thể thấy, qua internet, độc giả ngày nay có thể lựa chọn cho mình những tác giả yêu thích, phù hợp trước khi cầm trên tay cuốn sách của tác giả đó. Đồng thời, người đọc cũng bắt đầu chủ động hơn trong cách tiếp nhận văn chương. Quá trình giao lưu, tương tác của tác giả với độc giả diễn ra thường xuyên, thậm chí có trước khi một cuốn sách ra đời. Đáng nói hơn, độc giả của dòng văn học mạng chủ yếu là giới trẻ, một tín hiệu đáng mừng cho sự trở lại của văn hóa đọc.

 

 Văn học mạng nổi lên thu hút đông đảo độc giả là giới trẻ. Ảnh: P.L
Văn học mạng thu hút đông đảo độc giả trẻ. Ảnh: P.L

Vốn yêu thích Minh Nhật từ những truyện ngắn đăng trên báo Hoa Học Trò, bạn Hoàng Lê Nguyên (19 tuổi, tổ 1, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) đã bắt đầu theo dõi trang cá nhân của tác giả này. Nguyên tâm sự: “Mình vốn rất thích giọng văn của anh Minh Nhật, anh viết rất hay. Ngoài anh Minh Nhật thì mình còn theo dõi trang của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Việc theo dõi các tác giả qua mạng cho mình cảm giác như được kết nối với họ, gần gũi hơn và hiểu họ nhiều hơn. Từ đó cũng giúp mình biết được quá trình sáng tác của tác giả như thế nào và nắm bắt được những tác phẩm mới của họ”.

Anh Trần Văn Bảo-Cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa Gia Lai (đường Trần Phú, TP. Pleiku) cho biết: “Nếu như năm 2015, văn học trẻ Trung Quốc được ưa chuộng thì năm 2016 chứng kiến sự lên ngôi của các tác giả văn học trẻ Việt Nam. Giữa hai dòng văn học này có sự hoán đổi mạnh mẽ. Các tác giả trẻ phần lớn đều nổi tiếng từ mạng internet. Lượng khách hàng thuộc lứa tuổi teen cũng tăng đột biến. Trung bình mỗi tựa sách thuộc “top 10” tại nhà sách cũng bán được 30-40 cuốn/2 tuần”. Anh Bảo cũng chia sẻ thêm rằng, mỗi khi có sách mới ra mắt, các bạn học sinh, đặc biệt là học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương và Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) là những người tới tìm mua sớm nhất.

Đưa sách đi tìm độc giả

Khác với những tác giả được độc giả tự tìm đến, có những tác giả phải tự đi tìm người đọc cho những “đứa con tinh thần” của mình. Con đường này cũng lắm nỗi gian nan.

Để có được một cuốn sách, ngoài quá trình thai nghén đến dày công sáng tác, gọt giũa, chỉnh sửa, nếu may mắn được nhà xuất bản mua bản quyền, bao tiêu in ấn, phát hành, giới thiệu thì con đường để sách đến với độc giả được rút ngắn. Ngược lại, các tác giả phải tự đi xin giấy phép xuất bản, sau đó tự bỏ tiền túi để in ấn đồng thời tự tổ chức các buổi giới thiệu sách để đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với bạn đọc. Hầu hết các tác giả tại Gia Lai đều phải tự bỏ tiền túi ra in sách nếu như đó là thơ. Một số ít các tác giả sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết như Hoàng Thanh Hương, Thu Loan, Phạm Đức Long, Lê Vi Thủy… được các nhà xuất bản uy tín mua bản quyền và xuất bản. Sở dĩ có sự phân biệt này là do nhu cầu, thị hiếu của người đọc đã không còn chuộng thơ như trước đây nữa. Và để được nhiều độc giả biết đến, sau khi được in, các tác giả lại phải bỏ tiền túi hoặc kêu gọi tài trợ để tự tổ chức giới thiệu sách.

Nhà văn Hoàng Thanh Hương-hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã có 3 tập thơ và 2 tập truyện ngắn. Vừa qua, chị cùng với hai nữ tác giả Lê Vi Thủy và Ngô Thanh Vân tổ chức buổi giới thiệu sách khá quy mô từ kinh phí kêu gọi của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai. Hoàng Thanh Hương chia sẻ: “Con đường để các sáng tác của mình đến với độc giả là rất nhọc nhằn. Nhưng mỗi tác giả lại có một cách tiếp cận, cách quảng bá riêng để thu hút đông đảo người đọc. Với tôi thì con đường đó là bằng cách cộng tác báo, tạp chí, đăng lên trang cá nhân, blog, tích cực quảng bá tác phẩm mình trong các dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ… một cách chăm chỉ và kiên trì, tin những người sáng tác như tôi dần dần sẽ chiếm được nhiều cảm tình của độc giả”.

Như vậy, những tác động tích cực của mạng internet đến văn chương là không thể phủ nhận. Đó hiện là con đường nhanh nhất để giúp các tác giả tiếp cận được với độc giả của mình. Dù vậy, mục tiêu cuối cùng vẫn là được nhìn thấy cuốn sách của mình trên tay của bạn đọc, đó mới là cách khẳng định chắc chắn nhất cho tên tuổi của mỗi tác giả.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm