Hàng chục hộ dân từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Kiên Giang... tụ tập thành một xóm chài, ngày đêm đánh bắt tôm cá, mưu sinh trên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).
Những chiếc ghe neo đậu trên mặt hồ thủy lợi Ia Mơr.
Hồ thủy lợi Ia Mơr cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak.
Mỗi ngày, người dân nơi đây kiếm được khoảng 200-300 ngàn đồng nhờ đánh bắt thủy sản trên lòng hồ.
Công trình này đã tạo điều kiện cho thủy sản phát triển. Nhiều người dân từ các tỉnh đổ về lập thành một xóm chài. Ngày đêm, họ cùng dàn thuyền thả lưới đánh cá. Dù cuộc sống gần chục năm nay vẫn khó khăn nhưng họ luôn phấn khởi, vui vẻ và lao động hết mình.
Chị Nguyễn Thị Hường (quê huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đang cần mẫn vớt những rổ cá cơm lên để phơi khô.
Chị Nguyễn Thị Hường (quê huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đang cần mẫn vớt những rổ cá cơm lên để phơi nắng. Vừa gạt những giọt mồ hôi tràn trên khuôn mặt, chị Hường bộc bạch: Tôi lên đây đã hơn 4 năm rồi. Khi còn ở quê, tôi làm phụ hồ, cuộc sống rất vất vả nên khi nghe người quen giới thiệu, cả gia đình tôi chuyển đến đây để mưu sinh. Hàng ngày, gia đình tôi thả lưới cũng kiếm được 200-300 ngàn đồng, có lúc giăng câu có cá lăng cũng kiếm được 700 ngàn đồng đến cả triệu đồng. Nói chung, mưu sinh ở đây, gia đình tôi cũng có thu nhập hàng ngày, cuộc sống đỡ hơn so với trước-chị Hường chia sẻ.
Để mưu sinh với nghề chài lưới, hầu như họ đều thức trắng đêm, lênh đênh trên mặt nước.
Anh Phạm Quang Chênh (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) tất bật phơi cá cơm trên bờ hồ.
Anh Phạm Quang Chênh (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang)-thổ lộ: Cách đây hơn 2 năm, nghe ông cậu nói là trên này nhiều cá nên tôi chuyển cả gia đình lên đây ở. Khi mới lên, tôi phải dựng lều ở tạm ban ngày, còn ban đêm thì dong thuyền thả lưới. Trước đây khi ở dưới nhà tôi làm nghề chạy máy cày. Giờ ở đây, hàng ngày thả lưới gia đình tôi cũng có thu nhập ổn định hơn Cá ở đây chủ yếu cá mè, cá rô phi, cá vụn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết: Từ khi chặn dòng hồ thủy lợi, nguồn thủy sản nơi đây phong phú nên một số người dân các nơi đổ về đây đánh bắt cá mưu sinh. Theo thống kê có khoảng 20 hộ đã sống ổn định trên lòng hồ, một số khác tận dụng thời gian không có việc làm thì lên lòng hồ đánh bắt cá mưu sinh. Đa số họ sống tạm bợ, kham khổ, một số người đã mua được đất, làm nhà nhưng vẫn bám lấy nghề chài lưới.
Hàng chục hộ dân từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Kiên Giang... về nơi đây mưu sinh