Theo Sputnik, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/10 thừa nhận chính quyền của ông chưa đạt được sự đồng thuận về việc dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để Ukraine tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Trước khi lên chuyên cơ Air Force One rời Berlin (Đức), khi được hỏi liệu có khả năng thay đổi quyết định về vũ khí tầm xa hay không, Tổng thống Biden đáp: “Trong chính sách đối ngoại, không bao giờ có chuyện ‘Tôi không bao giờ thay đổi ý kiến.' Hiện tại, chưa có sự đồng thuận về vũ khí tầm xa."
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không chỉ thảo luận về khả năng cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để chống lại Moskva, mà về cơ bản đang quyết định có trực tiếp tham gia cuộc xung đột Ukraine hay không.
Theo ông, sự tham gia trực tiếp của các nước phương Tây sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột Ukraine, và Moskva sẽ buộc phải đưa ra quyết định dựa trên những mối đe dọa mới đối với nước Nga.
Trước đó, ngày 17/10, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cho biết nước này đã chính thức cho phép Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 nước này cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga, nhấn mạnh rằng những hành động như vậy có thể bao gồm việc đánh chặn tên lửa hoặc tấn công các sân bay và các mục tiêu chiến lược khác ở Nga.
Cùng ngày, Chính phủ Đức đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, gồm tên lửa dẫn đường AIM-9L, 4.000 thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công và hơn 300 UAV trinh sát.
Tên lửa dẫn đường AIM-9L là vũ khí có hiệu quả cao được sử dụng trong không chiến. Tuy nhiên, số tên lửa này sẽ được sử dụng để phóng từ mặt đất.
Theo Vietnam+