Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Mỹ cứng rắn hơn với Trung Quốc trên biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mỹ và đồng minh sẵn sàng và có thể phối hợp hiệu quả khi cần để bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.



Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 25-7 nhấn mạnh chính sách của Mỹ là rất rõ ràng và biển Đông không phải là đế chế hàng hải của Trung Quốc. "Nếu Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế và các nước tự do không làm gì cả, lịch sử cho thấy Trung Quốc sẽ chiếm thêm lãnh thổ. Tranh chấp biển Đông phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế" - Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố, vài tuần sau khi Mỹ chính thức bác bỏ gần hết yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ 2 nước tiếp tục xấu đi vì hàng loạt vấn đề, từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) đến Hồng Kông và biển Đông.

Theo Sáng kiến Điều tra tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI) thuộc Trường ĐH Bắc Kinh, Không quân Mỹ đã triển khai số lượng kỷ lục 50 loại máy bay trinh sát đến bờ biển Trung Quốc và biển Đông trong 3 tuần đầu tiên của tháng 7. Tổ chức này cho biết chỉ riêng tuần trước, các máy bay trinh sát E-8C của Không quân Mỹ đã bị phát hiện trong phạm vi 100 hải lý của bờ biển Tây Nam tỉnh Quảng Đông trong 4 đợt triển khai riêng biệt.


 

Tàu chiến Úc tập trận cùng chiến hạm Mỹ và Nhật Bản trên biển Philippines hôm 21-7 Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc
Tàu chiến Úc tập trận cùng chiến hạm Mỹ và Nhật Bản trên biển Philippines hôm 21-7 Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc



"Hiện tại, quân đội Mỹ đang điều 3-5 máy bay trinh sát mỗi ngày đến biển Đông. Trong 6 tháng đầu năm 2020, chiến dịch trinh sát trên không của Mỹ tại khu vực này đã bước vào giai đoạn mới với tần suất cao hơn, khoảng cách tiếp cận gần hơn và nhiệm vụ đa dạng hơn rất nhiều" - SCSPI cho biết, đồng thời khẳng định máy bay Mỹ cũng đã nhiều lần tiếp cận không phận Trung Quốc "gần một cách bất thường".

Trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh chiến dịch trinh sát trên không, báo Global Times hôm 26-7 đưa tin Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bắt đầu đợt tập trận bắn đạn thật kéo dài 1 tuần trên bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông - nơi được xem là cửa ra biển Đông.

"Nếu quân đội Mỹ tiếp tục có các hành động khiêu khích trên biển Đông, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài tiến hành thêm các cuộc tập trận, đồng thời tăng cường hiện diện tàu chiến và chiến đấu cơ trên biển Đông" - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang cảnh báo.

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping, các cuộc tập trận của Không quân Trung Quốc thường bao gồm nội dung tấn công máy bay và tàu chiến, với mục tiêu bảo đảm ưu thế trên không và tấn công tàu chiến của địch trên biển Đông.

Trong khi đó, 5 tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Úc (RAN) đã tập hợp cùng các lực lượng của Mỹ và Nhật Bản trên biển Philippines trong một động thái nhằm thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết giữa lúc PLA tập trận. Theo báo The New Zealand Herald, nhóm tác chiến của RAN do tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra dẫn đầu bao gồm tàu khu trục không chiến HMAS Hobart, 2 tàu hộ tống HMAS Stuart và HMAS Arunta cùng tàu hỗ trợ HMAS Sirius. Nhóm này sẽ tham gia các chiến dịch do tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan dẫn đầu.

Theo giới chuyên gia, đây là một tín hiệu rõ ràng với các quốc gia Đông Nam Á cũng như Bắc Kinh rằng Mỹ và đồng minh sẵn sàng và có thể phối hợp hiệu quả khi cần để bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

 


Nguy cơ tính toán sai lầm gia tăng

Với quyết định nêu trên của RAN, Úc đã gia tăng đáng kể rủi ro trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt là khi Canberra chính thức bác bỏ những yêu sách của Bắc Kinh đối với các đảo tranh chấp trên biển Đông khi khẳng định chúng "không phù hợp" với luật pháp quốc tế.

Ông Donald Rothwell, Trường ĐH Luật Quốc tế Úc, nhận định động thái này chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận và trả đũa. Theo chuyên gia Richard McGregor của Viện Lowy (Úc), Trung Quốc sẽ theo dõi tàu chiến Úc mỗi khi chúng đi qua biển Đông.

"Tôi không nghĩ "chạm trán" là từ ngữ thích hợp. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ hỏi xem tàu chiến Úc đang làm gì ở biển Đông và yêu cầu giải thích" - ông McGregor nói, trước khi bày tỏ lo ngại về rủi ro tính toán sai lầm trên biển Đông, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự tại vùng biển tranh chấp này.



Theo CAO LỰC (LĐO)

Có thể bạn quan tâm