Đối thoại quân sự chính trị giữa Mỹ và Đài Loan vừa diễn ra tuần qua là một cuộc đối thoại kín đáo và quan trọng, nhằm vạch rõ các ưu tiên chung cũng như các lằn ranh đỏ không nên vượt qua nhằm duy trì tình trạng hiện nay của Đài Loan.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft dự kiến sẽ thăm Đài Loan từ 13-15.1.2021 - Ảnh: Reuters |
Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump công nhận một cách cởi mở về cuộc đối thoại trên là một bước mới, so với sự ủng hộ có phần thầm lặng hơn của Washington trước đây dành cho Đài Bắc. Sự thay đổi đó cho thấy Mỹ không còn coi trọng việc hạn chế đụng chạm các vấn đề mà Trung Quốc xem là lợi ích cốt lõi như Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương…
Có lẽ sắp tới, nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden sẽ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận trên, dù có thể ở mức độ không quá căng thẳng và đơn phương. Thực tế, các nhà hoạch định chính sách ở Washington giờ đây đã thay đổi quan điểm. Trước đây, Washington vẫn cho rằng việc tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhưng giờ đây, Washington nhận ra rằng nhắm đến mục tiêu có chọn lọc về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thì có thể thúc ép Bắc Kinh thay đổi hành vi.
Chính quyền của ông Biden sẽ có cơ hội để gia tăng áp lực lên Bắc Kinh khi Trung Quốc sắp trải qua nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh…
PGS Stephen Robert Nagy
(Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản;
học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada)
(Dẫn nguồn theo thanhnien)