Mỹ sẽ thử nghiệm tên lửa hành trình mới nhằm gây sức ép với Nga tại châu Âu sau khi chính thức rút khỏi hiệp ước INF.
Việc INF hết hiệu lực bị cho là có thể khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới (ảnh: Reuters) |
CNN ngày 2.8 dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay quân đội nước này sẽ thử nghiệm một loại tên lửa hành trình mới, được phát triển đặc biệt để đối đầu Nga tại châu Âu.
Tên lửa phóng từ giàn phóng di động và không có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, dự kiến sẽ được thử nghiệm trong vài tuần nữa.
Thông tin được tung ra giữa lúc Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong ngày 2.8. Hiệp ước được Mỹ và Nga ký hồi năm 1987 và có hiệu lực một năm sau đó nhằm hạn chế việc phát triển và triển khai các loại tên lửa phóng trên bộ có tầm bắn từ 500-5.500 km tại châu Âu. Gần 2.700 tên lửa hành trình và đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đã bị phá hủy theo INF.
Mỹ cáo buộc Nga vi phạm điều khoản trong INF và tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước nếu nước này tiếp tục không tuân thủ theo thỏa thuận. Ngược lại, Moscow bác bỏ cáo buộc và tố cáo Mỹ mới là bên vi phạm. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 2 cũng tuyên bố ngừng tuân thủ INF, hệt như hành động của Mỹ.
Hiện chưa rõ chủng loại tên lửa mà quân đội Mỹ sắp thử nghiệm nhưng giới quan sát cho rằng nước này có thể cải tiến các tên lửa hành trình phóng từ máy bay hoặc tàu chiến như Tomahawk để phóng được từ các giàn phóng trên bộ.
Nhiều bên tỏ ra lo ngại vì việc xé bỏ INF có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Âu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 1.8 nói rằng INF vô hiệu lực đồng nghĩa thế giới sẽ mất đi “một cái phanh vô giá” để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. “Điều này sẽ làm gia tăng chứ không giảm đi mối đe dọa do tên lửa đạn đạo gây ra”, ông Guterres nói, đồng thời kêu gọi Mỹ và Nga tìm thỏa thuận mới về kiểm soát vũ khí.
Vi Trân (thanhnien)