Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Mỹ vạch kế hoạch răn đe Trung Quốc trên biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ vừa đề xuất lên Quốc hội kế hoạch chi tiết nhằm răn đe sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

Tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ và khu trục hạm JS Teruzuki của Nhật tập trận tại biển Andaman - Ảnh: Hải quân Mỹ
Tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ và khu trục hạm JS Teruzuki của Nhật tập trận tại biển Andaman - Ảnh: Hải quân Mỹ



Trang tin Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ hôm qua cho hay các lực lượng Mỹ và Nhật Bản vừa tập trận chung trên biển Andaman giáp với Thái Lan, Myanmar và Indonesia.

Theo đó, tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (lớp Independence) của Mỹ và khu trục hạm JS Teruzuki (lớp Akizuki) của Nhật ngày 2.4 tiến hành diễn tập liên lạc và phân tán đội hình nhằm tăng cường khả năng phối hợp. Theo Chuẩn đô đốc Fred Kacher chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 7, các cuộc tập trận tương tự giúp tăng cường cam kết đảm bảo an ninh, ổn định, thịnh vượng và bảo vệ vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

“Phiên bản Thái Bình Dương”

Song song các hoạt động trên, hải quân Mỹ đang tập trung chi tiết hóa kế hoạch răn đe sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Theo trang Defense News, Đô đốc Phil Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM), vừa trình các đề xuất chi tiết trong kế hoạch chi 20 tỉ USD theo yêu cầu của Quốc hội, với mục đích chính nhằm răn đe hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Trước đó, vào tháng 11.2019, Quốc hội đưa ra Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng cho tài khóa 2020 và được thông qua vào ngày 20.12.2019, trong đó yêu cầu INDOPACOM báo cáo chi tiết về nhu cầu của lực lượng này nhằm đảm bảo chiến lược quốc phòng và đối phó Trung Quốc.

Trong báo cáo vừa trình, ông Davidson đưa ra chiến lược mới mang tên “Chiếm lại ưu thế”. “Chiến lược này nhằm khiến các kẻ thù tiềm ẩn thấy rằng bất cứ hành động quân sự phủ đầu nào sẽ vô cùng tốn kém và bị sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy làm cho thất bại”, ông Davidson viết. Bên cạnh đó, vị đô đốc này đưa ra nhiều kế hoạch răn đe linh hoạt để Lầu Năm Góc lựa chọn, bao gồm cả việc triển khai toàn bộ các chiến dịch nếu cần.


 

Đơn vị viễn chinh số 31 thuộc quân đội Mỹ tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông ngày 16.3 - Ảnh: DVIDS
Đơn vị viễn chinh số 31 thuộc quân đội Mỹ tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông ngày 16.3 - Ảnh: DVIDS



Giới quan sát cho rằng kế hoạch của INDOPACOM, gồm khoản chi lên đến 20 tỉ USD trong 6 năm tới, là nền tảng cơ bản để phát triển “phiên bản Thái Bình Dương” của Sáng kiến Răn đe ở châu Âu do Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra nhằm đối phó Nga. Sáng kiến này tập trung đối phó Trung Quốc.

Tăng cường vũ trang, đồng minh, đối tác

Các khoản chi trong đề xuất được chia làm nhiều nhóm chính, gồm khả năng sát thương của lực lượng liên quân, thiết kế và bố trí lực lượng, tăng cường đồng minh và đối tác, tập trận, thử nghiệm và sáng tạo, đảm bảo hậu cần và an ninh.

Theo Đô đốc Davidson, ưu tiên hàng đầu là khả năng sát thương của lực lượng liên quân, gồm 1,67 tỉ USD đầu tư trong 6 năm tới để nâng cao năng lực phòng không trên đảo Guam. Bên cạnh đó, kế hoạch đề xuất tăng cường hỏa lực chính xác tầm xa như Tomahawk tấn công biển và tên lửa không đối đất JASSM-ER của không quân, hệ thống radar cao tần tại Palau giúp phát hiện các mục tiêu trên không và trên biển, radar phòng thủ ở Hawaii và hệ thống radar dựa trên vệ tinh để theo dõi các mối đe dọa toàn cầu.

Về hạ tầng, kế hoạch đề xuất hàng loạt khoản đầu tư để dàn trải quân đội Mỹ khắp khu vực, thay vì tập trung tại các căn cứ lớn và dễ trở thành mục tiêu tấn công. Bên cạnh đó, INDOPACOM đề xuất chi 384 triệu USD nhằm tăng cường các mối quan hệ đồng minh và đối tác, vốn là thế mạnh của Mỹ trong khu vực. Trong lĩnh vực này, Đô đốc Davidson đề xuất thành lập một “môi trường đối tác” gồm công nghệ điện toán đám mây, hệ thống phối hợp và kiểm soát an toàn nhằm đảm bảo phối hợp suôn sẻ đối với từng nhiệm vụ cụ thể.

Về tập trận, kế hoạch đề xuất chi 2,87 tỉ USD để tiến hành các cuộc tập trận lớn trên toàn khu vực, bao gồm các cuộc tập trận kỹ thuật cao và đa lĩnh vực nhằm tăng cường khả năng phối hợp, nhất là giữa các hệ thống vũ khí của lực lượng Mỹ và đồng minh.

Theo ông Davidson, Mỹ cần lực lượng phối hợp với mạng lưới tấn công chính xác ở Thái Bình Dương, tăng cường bố trí lực lượng nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực và “duy trì các chiến dịch chiến đấu” nếu cần thiết.

 


Pháp chú trọng an ninh hàng hải ở Thái Bình Dương

Theo chuyên gia Nicolas Regaud tại Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM), cùng với năng lực và các hoạt động trên nhiều lĩnh vực, Pháp đang có nhiều đóng góp cho an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Viết trên trang The Diplomat, ông cho rằng cam kết về an ninh hàng hải của Pháp trong khu vực này xoay quanh 3 trục chính: đóng góp về cấu trúc cho nhận thức khu vực trên biển (MDA), tham gia các diễn đàn hợp tác và thiết lập đối thoại toàn cầu với các nước mạnh về hàng hải và thúc đẩy xây dựng năng lực và môi trường an ninh. Bên cạnh đó, dự kiến vào tháng 7, Pháp sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội nghị Hải quân Ấn Độ Dương nhiệm kỳ 2020 - 2022.


Theo Khánh An (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm