Đối với cộng đồng bản địa, những thứ thịt, cá nướng đều có thức chấm riêng, tuy đơn giản nhưng rất đặc sắc phong vị ẩm thực cao nguyên.
Chuẩn bị kỹ nguyên liệu trước khi chế biến - Trần Hiếu |
Trong những ngày đi làm thuê cho một doanh nghiệp ở xã Ia Pếch, H.Ia Grai (Gia Lai), anh Lê Đức Nam (35 tuổi) thấy nhiều nhà dân để mặc những cây ớt xiêm rụng quả, không thèm thu hoạch vì lợi nhuận thấp. Anh liền nghĩ sao mình không dùng loại ớt này cùng với công thức chế biến các loại đồ chấm của người bản địa Jrai để thành các sản phẩm đưa ra thị trường? Nghĩ là làm, anh Nam thuê 1 sào đất để trồng ớt xiêm.
Đối với cộng đồng bản địa, những thứ thịt, cá nướng đều có thức chấm riêng, tuy đơn giản nhưng rất đặc sắc phong vị ẩm thực cao nguyên. Đó đơn giản chỉ là muối hạt, mì chính, ngò gai, lá é… Song, gia giảm thế nào để thành một thức chấm ngon là cả một quy trình tinh tế.
Đầu tiên, cơ sở của anh Nam chế biến ớt xiêm ngâm trong ống tre. Ớt sau khi hái được trụng sơ qua nước sôi để loại bỏ các loại vi khuẩn, bỏ vào các ống tre và đổ hỗn hợp gồm muối, dấm, đường phèn vào để nuôi, đặt ở nơi chỗ thoáng mát. Hằng ngày phải quan sát để thêm nước vào từng ống tre. Độ một tuần thì dùng được. Món ớt ngâm hỗn hợp này cộng với hương của ống tre có vị giòn thơm đặc biệt. Ngay từ buổi đầu đưa ra thị trường đã được nhiều khách hàng đón nhận.
Ớt xiêm là một trong những nguyên liệu chính của các sản phẩm |
Từ những nguyên liệu thuần túy của đất trời Tây nguyên, anh Nam chế biến thành những sản phẩm như muối tre lá é - một loại cây như lá quế có vị thơm thường được người bản địa dùng để giã muối; muối tép Biển Hồ, ớt bay tre đá, muối ngũ vị. Tất cả đều được chế biến cầu kỳ và đặc biệt không có chất điều vị, không chất bảo quản.
Chẳng hạn, để chế biến các loại muối, anh Nam dùng muối hạt bỏ vào ống tre, hơ trên lửa nhỏ trong môi trường yếm khí từ 5 - 7 ngày, sau đó đem ra loại bỏ phần tre cháy, chỉ lấy phần nhỏ cật tre với muối xay nhuyễn để chế biến tiếp. Hay tép cũng được anh Nam tuyển chọn kỹ từ loại tép ở Biển Hồ - một thắng cảnh nổi tiếng của phố núi Pleiku, sau đó về làm sạch, xay trộn với muối rồi sấy khô, chế biến thành sản phẩm.
“Nhiều người dân Tây nguyên xa quê cũng như khách du lịch trong nước và quốc tế tỏ ra hứng thú với các sản phẩm này. Đó là sự động viên để tôi tiếp tục giới thiệu sản phẩm mang đặc trưng phong vị ẩm thực Tây nguyên đến với nhiều khách hàng hơn”, anh Nam nói.
Cho một ít sản phẩm vào chén, vắt vào vài giọt chanh để chấm cùng những món nướng, hẳn cả những thực khách khó tính cũng phải hít hà! Đấy cũng là mỹ vị Jrai, là đặc trưng phong vị ẩm thực nơi đại ngàn.
Theo TRẦN HIẾU (thanhnien)