(GLO)- Sáng 21-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chủ trì phiên họp đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Vũ Thảo |
Theo đó, trong năm 2021, mặc dù do tác động dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhưng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng-chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tổng nguồn vốn đến 31-12-2021 đạt 5.286,4 tỷ đồng (tăng 377,2 tỷ đồng so với đầu năm); doanh số cho vay đạt 1.995 tỷ đồng (bằng 114% so với năm 2020) với 55.450 lượt đối tượng; doanh số thu nợ đạt 1.612,8 tỷ đồng (bằng 112,3% so với năm 2020); tổng dư nợ đạt 5.276,4 tỷ đồng (tăng 380,81 tỷ đồng so với năm 2020, tỷ lệ tăng 7,78%, đạt 99,9% kế hoạch giao), với 141.356 hộ, dư nợ bình quân 37,2 triệu đồng/hộ. Một số địa phương có tỷ lệ tăng trưởng cao như các huyện: Krông Pa (10,76%), Đak Đoa (10,16%), Ia Pa (10,07%), Kbang (9,91%), Chư Prông (9,54%), Mang Yang (8,08%), TP. Pleiku (9,61%)…
Nguồn vốn cho vay đã giúp cho 5.489 hộ thoát nghèo, 5.522 hộ thoát cận nghèo và 9.274 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho 7.921 lao động, tạo điều kiện cho 1.942 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, 10 đối tượng lao động đi xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài và cải tạo 24.411 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2021 (theo tiêu chí giai đoạn 2016-2020) còn 3,96%, giảm 1,42% so với năm 2020; 20 xã được công nhận nông thôn mới năm 2021.
Năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh phấn đấu nguồn vốn huy động tăng 100 tỷ đồng so với năm 2021; tăng trưởng tín dụng đạt 8% trở lên; nợ quá hạn dưới 0,12%/tổng dư nợ; tỷ lệ thu lãi đạt 100% lãi phải thu; củng cố tổ tiết kiệm và vay vốn, phấn đấu hàng tháng đưa 95% tổ xếp loại tốt, không còn tổ tiết kiệm và vay vốn trung bình, yếu kém.
Khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Vũ Thảo |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành nhấn mạnh: Trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng kết quả mà Ngân hàng CSXH tỉnh đạt được trong năm 2021 là rất lớn. Để triển khai nhiệm vụ trong năm 2022, cần khắc phục những hạn chế, có giải pháp để cho vay đúng đối tượng, tăng cường công khai minh bạch của các tổ vay vốn, không để nợ xấu phát sinh. Các sở, ngành cần tập trung lồng ghép các chương trình lớn của tỉnh để hỗ trợ cho vay nhằm tạo sinh kế cho các đối tượng thụ hưởng; bám sát số liệu điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều để có kế hoạch triển khai cho vay kịp thời. Tập trung nguồn vốn ưu tiên cho vay 71 xã không còn được hưởng các chính sách tín dụng tại vùng khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần tăng cường sự phối hợp giữa Ngân hàng CSXH tỉnh với các hội, đoàn thể để kiểm tra, giám sát, bình xét cho vay, tránh tình trạng trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ bỏ đi khỏi nơi cư trú; đồng thời làm tốt công tác xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương lồng ghép các chương trình dự án của Nhà nước, phối hợp lồng ghép hỗ trợ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kiến thức làm ăn, gắn với nguồn vốn tín dụng CSXH, nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay.
Dịp này, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh tặng giấy khen cho 14 tập thể và 23 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, phối hợp và thực hiện nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2021.
VŨ THẢO