Nguồn vốn Nhà nước sẽ được ưu tiên dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm quốc gia.
Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến cao tốc được đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Ngoài nguồn vốn đầu tư công, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu đầu tư để đáp ứng các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng của ngành giao thông vận tải cần vào khoảng 759.400 tỷ đồng, trong đó 392.100 tỷ đồng vốn trong nước; 69.800 tỷ đồng vốn nước ngoài và 297.500 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách (55.800 tỷ đồng Bộ huy động, 241.600 tỷ đồng do địa phương, cơ quan khác huy động).
Với dự kiến nhu cầu vốn đầu tư này, đến hết năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu sẽ đưa vào khai thác khoảng 3.858km đường bộ cao tốc (trong đó có 2.084km đường bộ cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau); hoàn thành giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành cải tạo đường hạ cất cánh, đường lăn cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất; nâng cấp, cải tạo cơ bản tuyến đường sắt Thống Nhất; nâng tĩnh không cầu để đảm bảo khổ thông thuyền các tuyến đường thủy nội địa có lưu lượng lớn...
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, nguồn vốn Nhà nước phải được ưu tiên dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm quốc gia, kết nối các phương thức vận tải đồng thời với huy động tối đa mọi nguồn lực khác cho đầu tư phát triển và bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
“Về vấn đề huy động vốn xã hội hóa, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu cơ chế cụ thể để đề xuất, trình Chính phủ, theo hướng huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu, Chính phủ đảm bảo lãi suất thấp, lợi nhuận tốt, đem lại lợi ích cho người dân khi tham gia mua trái phiếu…,” Bộ trưởng Thể cho biết.
Nhìn nhận tỷ trọng đầu tư dành cho đầu tư hạ tầng đường sắt, đường thủy còn rất thấp, ông Thể cho hay giai đoạn tới, Bộ sẽ chú trọng đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa, đường sắt, tăng tỷ trọng đầu tư lên khoảng 7-8%, tăng đầu tư cho hạ tầng kết nối, ưu tiên những dự án không cần đầu tư lớn nhưng đem lại hiệu quả tốt.
Hiện nay, ngành giao thông Vận tải đang khẩn trương hoàn tất công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp để có thể sớm triển khai đồng loạt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam vừa được chuyển đổi hình thức đầu tư trong tháng 9/2020; khởi công 5 dự án thành phần PPP trong quý 2/2021.
Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông sẽ là 2 dự án hạ tầng động lực cho đất nước trong những năm tới.
Việt Hùng (Vietnam+)