Giáo dục

Tin tức

Năm học 2021-2022: Thêm 19 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là các địa phương: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đak Lak, Gia Lai, Đak Nông, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Quảng Trị, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau. Các tỉnh nâng chuẩn từ xóa mù chữ (XMC) mức độ 1 lên mức độ 2 gồm: Sơn La, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Kon Tum, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang.

Công chức Tuyên giáo-Dân vận xã Phú An- Nguyễn Thị Phúc- tình nguyện đứng lớp xóa mù chữ cho phụ nữ làng Đê Chơ Gang, Đak Pơ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chị Nguyễn Thị Phúc-Công chức Tuyên giáo-Dân vận xã Phú An (huyện Đak Pơ) tình nguyện đứng lớp xóa mù chữ cho phụ nữ làng Đê Chơ Gang. Ảnh: Hoàng Ngọc

Như vậy, đến nay có 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn XMC mức độ 1 và 44/63 tỉnh thành phố đạt chuẩn XMC mức độ 2, đạt 69,84%, tăng 15,88% so với năm học trước.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong những tỉnh có tỷ lệ người mù chữ cao có tỉnh Đak Nông, tập trung ở vùng biên giới, dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Sau nhiều năm thực hiện, Hà Giang đạt được những kết quả tích cực trong công tác XMC: Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 được công nhận biết chữ ở mức độ 1 đạt 95,13%; 100% xã đạt chuẩn XMC, trong đó 33 xã đạt chuẩn mức độ 1 và 160 xã đạt chuẩn mức độ 2.

Đánh giá của Bộ GD-ĐT cho thấy, công tác XMC ở nước ta còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ huy động người học XMC vùng khó khăn còn thấp, kết quả thiếu bền vững, hiện tượng tái mù còn lớn. Số người mù chữ và tái mù chữ tập trung ở độ tuổi 36-60 và ở vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số. Cách tổ chức học, phương pháp dạy XMC chưa phù hợp, chưa có chế độ, chính sách thỏa đáng để huy động người dân tộc thiểu số tham gia XMC.

Cơ sở vật chất trường lớp, trang-thiết bị, tài liệu dạy học chưa đầy đủ. Nguồn lực cho công tác XMC chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Các lớp XMC chủ yếu sử dụng kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cấp cho công tác phổ cập giáo dục XMC hàng năm.

Bộ GD-ĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập. Sau khi phê duyệt, các địa phương từ cấp xã đến tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án nghiêm túc, hiệu quả.

Đề án yêu cầu đến năm 2025, có 99,5% người trong độ tuổi từ 15-35, 97,5% người trong độ tuổi 36-60 đạt chuẩn mức độ 1; 98% người trong độ tuổi 15-35, 95% người trong độ tuổi từ 36-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2. Ưu tiên XMC cho trẻ em, phụ nữ, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, phấn đấu cân bằng tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ.

Đến năm 2030, 99,9% người trong độ tuổi từ 15-35, 98,5% người trong độ tuổi từ 36-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 1; 99% người trong độ tuổi 15-35, 97% người trong độ tuổi từ 36-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.

Nhiệm vụ đặt ra là tăng cường điều tra, thống kê chính xác số người mũ chữ, người tái mù, cập nhật trên hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, XMC đúng quy định. Việc tổ chức các lớp XMC phải phù hợp từng nhóm đối tượng. Có chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia công tác XMC, triển khai hiệu quả đề án hỗ trợ giáo dục cho người dân tộc thiểu số. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tích cực vào cuộc thực hiện công tác XMC. Việc XMC không dừng lại ở biết đọc, biết viết mà còn cung cấp kiến thức khoa học, công nghệ, thông tin, truyền thông… để người dân vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có cơ hội hòa nhập và tiếp cận bình đẳng với tri thức, phát triển bền vững.

 

T.S (từ Cổng TTĐT Bộ GD-ĐT, TTXVN online)

 

Có thể bạn quan tâm