Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc nâng cao chất lượng giáo viên và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đang là nhiệm vụ hàng đầu được các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Đây được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Chú trọng chất lượng đội ngũ giáo viên
Hiện toàn tỉnh có 10 cơ sở đào tạo lái xe, trong đó có 3 trung tâm sát hạch lái xe gồm: Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng-Vận tải Gia Lai), Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe (trực thuộc Công ty TNHH Vận tải Ô tô Gia Lai) và Trường Cao đẳng Nghề số 21-Bộ Quốc phòng.
Trong số đó, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe là đơn vị sát hạch loại 1 duy nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Trung bình mỗi năm, Trung tâm này đào tạo khoảng 2.000 học viên học lái xe ô tô các hạng B1, B2, C, D, E, F; đào tạo 4.000-5.000 học viên lái xe mô tô. Ông Phạm Xuân Bảo-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe-cho biết: “Để nâng cao chất lượng giáo viên, Trung tâm coi trọng việc tuyển dụng đầu vào đối với các ứng viên. Đồng thời trong suốt quá trình giảng dạy, giáo viên thường xuyên tham gia các đợt tập huấn, hội giảng để nâng cao kiến thức, trình độ và kỹ năng”. Hiện nay, đội ngũ giáo viên của Trung tâm đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn được quy định tại Nghị định 65/2016/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô, dịch vụ sát hạch lái xe và Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Đào tạo lái xe ô tô tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng-Vận tải Gia Lai). Ảnh: L.H
Đào tạo lái xe ô tô tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng-Vận tải Gia Lai). Ảnh: L.H
Trung tâm Đào tạo Nghề tại Gia Lai (thuộc Trường Cao đẳng Nghề số 5, Quân khu 5) cũng đang thu hút khá đông lượng học viên nhờ chính sách đào tạo nghiêm túc, chặt chẽ, chú trọng chất lượng. Mỗi năm, Trung tâm này đào tạo khoảng 1.000 học viên lái xe ô tô và 3.500 học viên lái xe mô tô. “Để nâng cao chất lượng đào tạo, trước hết phải xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành lái xe và nghiệp vụ sư phạm. Giáo viên phải có phương pháp khoa học nhằm truyền dạy kiến thức, sao cho học viên lĩnh hội được đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết để vận hành và lái xe an toàn sau khi tốt nghiệp”-Đại úy Đặng Văn Nghĩa-Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghề tại Gia Lai-cho biết.
Toàn tỉnh hiện có trên 300 giáo viên tham gia giảng dạy lái xe ô tô. “Là người trực tiếp giảng dạy, bản thân tôi luôn cố gắng, nỗ lực cải tiến các phương pháp giảng dạy để giúp học viên dễ tiếp thu nhất, qua đó nắm chắc kiến thức và có khả năng ứng dụng về thực hành lái xe an toàn, xử lý tốt các tình huống trên đường chạy”-anh Trần Trọng Luyến, giáo viên dạy lái xe thuộc Trung tâm Đào tạo Nghề tại Gia Lai, chia sẻ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin     
 
Ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở Giao thông-Vận tải): “Nhìn chung, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc quy định về đào tạo, sát hạch lái xe; đồng thời ngày càng chú trọng đầu tư nâng cao hệ thống cơ sở vật chất dạy và học cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên để tăng tính cạnh tranh, thu hút học viên”.

Theo ông Phạm Xuân Bảo-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe-hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, cụ thể là tự động hóa khâu sát hạch đã góp phần đánh giá khách quan, chính xác hơn chất lượng học viên. Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe có 82 phương tiện phục vụ sát hạch thì trên mỗi phương tiện đều được gắn camera tự động để theo dõi và nhận diện chính xác người dự thi, tránh trường hợp thi hộ. Ở phần sa hình, tất cả 11 bài thi đều được lắp cảm ứng từ. Thông qua hệ thống này, tất cả thông tin về lộ trình hay các lỗi sẽ được thông báo trực tiếp và công khai để học viên tự điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Kết quả thi của thí sinh sẽ được cập nhật về phòng điều hành Trung tâm để theo dõi và lưu trữ. Đây chính là cơ sở để thực hiện “học thật, thi thật”. “Nhờ tự động hóa, không có sự can thiệp từ bên ngoài nên kết quả sát hạch của các thí sinh sẽ khách quan, chính xác hơn”-ông Bảo nhấn mạnh. Bên cạnh đó, hệ thống phương tiện thực hành lái xe tại các cơ sở đào tạo cũng được cập nhật, đổi mới thường xuyên. Xe sát hạch luôn được đảm bảo niên hạn dưới 10 năm kể từ ngày sản xuất...
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghề tại Gia Lai Đặng Văn Nghĩa thì cho biết: “Trung tâm luôn chú trọng phát huy tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo của giáo viên trong quá trình dạy lái xe. Trong đó, giáo viên được khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy với máy trình chiếu, hệ thống ngân hàng đề thi, mô phỏng tình huống… để tăng khả năng trực quan, tạo sự phong phú, sinh động cho bài giảng cũng như tăng tính tương tác giữa giáo viên-học viên”.
Đánh giá về công tác đào tạo và sát hạch lái xe hiện nay, ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở Giao thông-Vận tải) nhấn mạnh: “Sở luôn chú trọng đến công tác quản lý, kiểm soát việc đào tạo, sát hạch tại các cơ sở để đảm bảo dạy và học đúng thực chất. Kết quả sát hạch phải phản ánh chính xác chất lượng dạy và học, không thể xuê xoa bởi đào tạo lái xe có ý nghĩa quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn giao thông”.
Hải Lê

Có thể bạn quan tâm