Kinh tế

Nông nghiệp

Nâng cao giá trị cây sầu riêng nhờ ứng dụng khoa học-công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bình Phước hiện có trên 3.000 ha sầu riêng và năng suất bình quân đạt 15-20 tấn/ha. Kết quả này ngoài ưu đãi thiên nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng, nông hộ tại địa phương cũng đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
 


Người tiên phong ứng dụng khoa học-công nghệ

Người tiên phong ứng dụng khoa học-công nghệ vào trồng sầu riêng là anh Nguyễn Minh Hiếu-chủ vườn cây sầu riêng 10 ha tại xã Phước Tín (thị xã Phước Long). Anh Hiếu cho biết, trước đó anh có đến một số địa phương và tham khảo trên mạng Internet để học hỏi trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP sau đó về ứng dụng trong vườn nhà. Gần 3 năm trở lại đây khi cây vào thu hoạch, anh thuê rất ít nhân công để chăm sóc mà mà gần như tưới, phun thuốc tự động. Việc thực hiện cắt cỏ cũng dùng bằng máy để giữ độ ẩm cho đất. “Đầu tư khoa học công nghệ lúc đầu tuy có tốn kém nhưng giải phóng sức lao động, phun thuốc cho cây trồng đúng thời điểm và có sự kiểm soát chặt chẽ lượng nước tưới theo quy trồng tiêu chuẩn VietGAP. Cũng nhờ ứng dụng mô hình này, năng suất vườn sầu riêng tăng lên khoảng 30%. Trái thu hoạch đều, mẫu mã đẹp, cơm nhiều, chất lượng ngon hơn nên được đối tác tranh mua hết khi đến vụ thu hoạch”-anh Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ.

Chẳng những có giá trị cao mà cây sầu riêng vào giai đoạn thu hoạch cũng cho sản lượng 4-5 tạ/cây. (Ảnh: Bảo Lâm)
Chẳng những có giá trị cao mà cây sầu riêng vào giai đoạn thu hoạch cũng cho sản lượng 4-5 tạ/cây. (Ảnh: Bảo Lâm)



Đã từng tham quan mô hình trồng sầu riêng nhà anh Hiếu, bà Lê Thị Ánh Tuyết-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, mô hình trồng sầu riêng áp dụng khoa học kỹ thuật của anh Nguyễn Văn Hiếu là mô hình rất tiên tiến, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất sạch và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Đây là mô hình bà con có thể học tập nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận sau thu hoạch.

Nói về bài toán lợi nhuận, anh Hiếu so sánh: “Ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhân công giảm khoảng 50%. Trước đây để giải quyết công việc cho 5 ha đất, tôi phải mất 2 ngày thì nay chỉ cần một buổi sáng. Đồng thời, mỗi khi thời tiết chuyển biến bất lợi, như sương muối hoặc cơn mưa trái mùa, việc phun thuốc rất có ý nghĩa giúp cho rửa trôi các nhân tố gây hại trên cây. Bấy giờ chỉ cần nhấn công tắc, một thời gian ngắn là có thể xử lý bằng việc tưới tự động”.

Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu

Bà Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, để xây dựng được thương hiệu sầu riêng Bình Phước, anh Hiếu đang tiến tới đưa ứng dụng Internet kết nối vạn vật (IoT) vào sản xuất nhằm hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. Đây chính là hướng sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước chủ trương hướng đến thời gian tới. Hơn nữa, Bình Phước hiện đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch; xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp công nghệ cao lợi thế về cạnh tranh cây ăn trái nói chung. Do đó, để nâng cao giá trị cây sầu riêng, tỉnh đã định hướng cho bà con xây dựng được khoảng 70 tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ trồng sầu riêng. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ trồng sầu riêng này sản xuất theo hướng liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo cho chất lượng xuất khẩu.

Ngoài ra, để chủ động vùng nguyên liệu, các hợp tác xã, công ty đã xây dựng cơ sở công nghệ cấp đông sầu riêng nhằm đa dạng hóa sản phẩm. “Mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong phun, xịt trong canh tác, bảo quản sầu riêng sau thu hoạch của anh Nguyễn Minh Hiếu bước đầu có thành công nhất định. Đồng thời, anh là thành viên của Hợp tác xã chuyển đổi số của Bình Phước tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cơ giới hóa, sử dụng công nghệ số vào sản xuất, chúng tôi nhận thấy cần nhân rộng trên địa bàn tỉnh”-bà Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ thêm.

 


HUỲNH LÊ
 

 

Có thể bạn quan tâm