Kinh tế

Doanh nghiệp

Nâng cao hiệu quả quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT), khu công nghệ cao (KCNC) ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển KT-XH của các địa phương cũng như góp phần tạo động lực tăng trưởng cho cả khu vực.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, hiện nay, các tỉnh, thành phố phía Nam có 317 KCN, 10 KKT cửa khẩu, 8 KKT ven biển với diện tích 534.092 ha. Tính đến hết năm 2023, có trên 16.500 dự án đã cấp vào các KCN, KCX, KKT, KCNC ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

Trong đó, năm 2023 có 602 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 111.341 tỷ đồng và gần 2,3 tỷ USD; 801 dự án điều chỉnh với tổng số vốn tăng thêm khoảng 181.209 tỷ đồng và hơn 2,7 tỷ USD.

nang-cao-hieu-qua-quan-ly-khu-cong-nghiep-khu-kinh-tedd-7516.jpg
Công nhân làm việc tại Nhà máy Olam điều (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, ban quản lý các KCN, KCX, KKT, KCNC đã tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước và trong quá trình giải quyết TTHC của cơ quan. Nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập trung tâm phục vụ hành chính công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện TTHC liên quan trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, các ban quản lý KCN, KCX KKT, KCNC đã tham mưu giúp UBND tỉnh, thành phố rà soát việc thực hiện lập quy hoạch các KCN đến năm 2030; đề xuất điều chỉnh, mở rộng, thành lập mới các KCN khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quy hoạch, tỷ lệ lấp đầy, khả năng thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN, KCX, KKT đang xây dựng hoặc chậm tiến độ; tăng cường giám sát việc đầu tư xây dựng các KCN, KCX, KKT đảm bảo xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tuân thủ quy hoạch phân khu, chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, các ban quản lý còn tham mưu giúp UBND tỉnh, thành phố triển khai biện pháp xử lý đối với các KCN gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc không đảm bảo điều kiện phát triển, không có khả năng triển khai do nhà đầu tư không có năng lực.

3hd-5616.jpg
Khu Công nghiệp Trà Đa mở rộng (TP. Pleiku)-địa điểm các doanh nghiệp thích chọn để làm nơi triển khai các dự án đầu tư. Ảnh: Hà Duy

Các ban quản lý cũng phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án đầu tư thứ cấp trong KCN, KKT nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả sử dụng đất; tăng cường hỗ trợ việc triển khai các dự án quy mô lớn trong KCN, KKT để tạo động lực phát triển cho KCN, KKT; tham mưu giúp UBND tỉnh biện pháp xử lý dứt điểm các dự án đầu tư đã ngừng hoạt động trong thời gian dài, không thể khắc phục, hoạt động trở lại để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư khác.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Qua thống kê, tổng doanh thu tại các KCN, KCX, KKT, KCNC ở khu vực phía Nam đạt khoảng 793.318 tỷ đồng và hơn 82,9 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu tại đây đạt khoảng 130,47 tỷ USD; nộp ngân sách khoảng 65.425 tỷ đồng và hơn 4,7 tỷ USD. Đồng thời, tạo việc làm cho khoảng 2,4 triệu lao động.

2-hd-9788.jpg
Phân loại và vệ sinh chanh dây trước khi đưa vào sơ chế tại nhà máy chế biến chanh dây Quicornac (KCN Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Hiện nay, Câu lạc bộ Ban quản lý các KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam có 34 thành viên là ban quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Thời gian qua, các thành viên Câu lạc bộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động tại địa bàn quản lý.

Cùng với đó, quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách phúc lợi cho người lao động; đề xuất tỉnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người lao động; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương trong thực hiện công tác phòng-chống cháy nổ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Nhờ vậy, trong các năm vừa qua, tại các KCN, KKT ở khu vực phía Nam không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, không xảy ra vụ cháy nổ, mất an toàn vệ sinh lao động, ngộ độc thực phẩm lớn.

Từ nay đến năm 2026, các thành viên Câu lạc bộ phấn đấu hoàn thành kế hoạch xây dựng, phát triển KCN, KCX, KKT, KCNC, thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh được giao.

Đồng thời, tổng hợp ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị Câu lạc bộ lần thứ X, các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện để báo cáo các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết.

Song song với đó, duy trì tốt các hoạt động của Câu lạc bộ nhằm tăng cường hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Có thể bạn quan tâm