Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đề cập đến vai trò quản lý kinh tế (QLKT), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu quản lý không chặt chẽ thì cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bị bế tắc”. Theo Người, QLKT là “quản lý sản xuất, quản lý vật tư, quản lý lao động, quản lý kỹ thuật, quản lý tiền bạc”.

Ảnh: Đức Thụy
Mục đích của tổ chức QLKT, quản lý sản xuất không có gì khác hơn là “để cải thiện đời sống nhân dân, làm cho nông dân được ấm no mạnh khỏe, được học tập, làm cho dân giàu nước mạnh”. Buông lơi QLKT, dẫn tới làm thất thoát tài sản Nhà nước là vi phạm quyền làm chủ, lợi ích của nhân dân. Quản lý kinh tế theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là tham gia hầu hết vào các khâu của quá trình kinh tế. Đó là quá trình huy động các nguồn lực, giảm thiểu sự chi tiêu không cần thiết, nhằm phục vụ sản xuất, phân phối, lưu thông để đạt mục đích làm cho kinh tế đất nước tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.

Với quan điểm lịch sử cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những tư tưởng chỉ đạo việc QLKT một cách thích hợp nhất, sát với thực tiễn, với trình độ dân trí nước ta. Người cho rằng dân chủ là chìa khóa để thực hiện tốt QLKT. Người nói: “Dân chủ là cán bộ Đảng, Công đoàn, thanh niên lao động, nhất là cán bộ kỹ thuật phải tự phê bình thật thà; phê bình xây dựng. Công nhân cũng tự phê bình chu đáo”. Phê bình phải trung thực, khách quan, có đúng nói đúng, có sai nói sai, không sợ mất thể diện. Để thực hiện tốt chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện tự phê bình và phê bình trong quản lý, theo Bác cần thiết phải kết hợp lao động và quản lý với nhau. “Từ trước đến nay vì cán bộ chỉ làm công việc quản lý, không tham gia lao động sản xuất cho nên xa rời công việc thực tế, xa rời quần chúng công nhân. Do đó mà sinh ra bệnh chủ quan, quan liêu mệnh lệnh. Công nhân thì chỉ sản xuất mà không tham gia quản lý”.

Bằng sự theo dõi, nắm chắc tình hình thực tiễn cơ sở nên Người đã phát hiện và nhắc nhở kịp thời các cơ quan, đơn vị cần tăng cường quản lý, tổ chức công việc khoa học hơn, phòng tránh tham ô, lãng phí. Người nói: “Có nơi bố trí công tác và bố trí máy móc không hợp lý nên năng suất thấp. Công tác quản lý chưa chặt chẽ, còn tham ô, lãng phí”. Ngay ở vào giai đoạn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi mở, định hướng cho các hợp tác xã phải được tổ chức và quản lý theo quy mô vừa tầm, không nhỏ quá cũng không nên to quá, vì quá to thì khó quản lý.

Quản lý kinh tế là một khoa học, do đó khi về thăm Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng), ngày 16-3-1961, Người nhắc nhở cán bộ, công nhân “Chắc các cô, các chú còn nhớ mấy nguyên tắc chính của chế độ quản lý. Đó là công nhân tham gia quản lý xí nghiệp… Thứ hai là cán bộ phải tham gia lao động, phải đi sát xuống dưới, kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn trong sản xuất”. Tóm lại nguyên tắc quản lý xí nghiệp theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Đảng lãnh đạo, thủ trưởng phụ trách, công nhân tham gia quản ly; rằng “Công nhân phải tham gia quản lý xí nghiệp. Việc này rất cần. Nếu không cần thì Đảng không đặt ra làm gì”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhận thấy công tác QLKT gắn bó chặt chẽ với cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức như cái kiềng ba chân, nếu hai chân dài, một chân ngắn thì không thể nào đứng vững được.

Minh bạch, công khai là yêu cầu không thể thiếu trong quản lý tài chính, do đó Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “Ban quản trị phải minh bạch. Tài chính phải công khai, thu và chi phải báo cáo cho xã viên biết. Nếu không báo cáo xã viên sẽ nghi ngờ ban quản trị tham ô, lãng phí”.

Để tăng cường QLKT, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách”. Đồng thời phải coi trọng chống tham ô, lãng phí, bởi vì “Tham ô có hại; nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến”, hơn nữa “hoang phí là một tội ác”.
Nguyễn Thế Tư

Có thể bạn quan tâm