(GLO)- Năm 2018, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2017. Để tiếp tục cải thiện chỉ số này trong năm 2019, tỉnh đang triển khai hàng loạt giải pháp mang tính đột phá, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả của dịch vụ hành chính công.
Những tồn tại, hạn chế
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số PCI năm 2018 của tỉnh Gia Lai đạt 63,08 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành và xếp thứ 2 khu vực Tây Nguyên (sau Lâm Đồng với 63,79 điểm, xếp hạng 27/63). Chênh lệch giữa Gia Lai và tỉnh có điểm số cao nhất (Quảng Ninh) là 7,28 điểm. Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị dẫn đầu “nhóm khá” có điểm số 65,34 điểm, xếp hạng 10/63 tỉnh, thành, hơn Gia Lai 2,26 điểm. Thái Bình là tỉnh xếp hạng 32 đạt 63,23 điểm, hơn Gia Lai 0,15 điểm. Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-nhận định: “Khoảng cách giữa các tỉnh đứng cuối và đứng đầu ngày càng ngắn, cạnh tranh điểm số vô cùng khốc liệt, chúng ta chậm một chút sẽ bị bỏ lại ngay”.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đánh giá Chỉ số PCI năm 2018 và đề xuất giải pháp nâng cao Chỉ số PCI năm 2019. Ảnh: H.D |
Trong 10 chỉ số thành phần PCI của Gia Lai năm 2018 có 2 chỉ số giảm điểm gồm: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giảm 0,25 điểm và đào tạo lao động giảm 0,55 điểm. Hai chỉ số này chiếm 40% tổng điểm PCI nên ảnh hưởng rất lớn đến điểm số PCI của Gia Lai trong năm 2018. Tỉnh ta cũng có 1 chỉ số tăng điểm nhưng lại tụt hạng so với năm 2017 là chỉ số tiếp cận đất đai (tăng 0,23 điểm), xếp hạng 11/63 tỉnh, thành (năm 2017 xếp hạng 9/63), chỉ số này chiếm 5% tổng điểm PCI.
Là một trong 2 chỉ số giảm điểm, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh ta năm 2018 chỉ đạt 5,01 điểm, xếp hạng 61/63 tỉnh, thành (năm 2017 xếp hạng 54/63). Ở chỉ số này có 3 chỉ số con tăng điểm nhẹ và cải thiện thứ hạng tốt gồm: chỉ số DN tiếp tục sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm xếp hạng 12/63; chỉ số chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động xếp hạng 14/63 và chỉ số chi phí kinh doanh dành cho tuyển dụng lao động xếp hạng 2/63. Các chỉ số con còn lại đều giảm điểm và xếp hạng thấp. Cá biệt, có chỉ số xếp hạng kém như: chỉ số DN từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tại tỉnh xếp hạng 60/63; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên số lao động chưa qua đào tạo xếp hạng 51/63; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động xếp hạng 59/63; tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại DN xếp hạng 46/63.
Năm 2017, PCI của Gia Lai tăng 3,49 điểm nhưng chỉ tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2016. Tuy nhiên, đến năm 2018, mặc dù chỉ tăng 2,17 điểm nhưng thứ hạng PCI của tỉnh lại tăng lên 10 bậc. Nguyên nhân chính là xu hướng “hội tụ điểm số” PCI giữa các tỉnh, thành khiến khoảng cách giữa tỉnh đứng cuối và tỉnh đứng đầu về điểm số PCI ngày càng thu hẹp. Nhóm tỉnh đứng cuối về PCI do có lợi thế của “người đi sau” nên có thể học hỏi kinh nghiệm từ những tỉnh nhóm trên để cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương mình; đồng thời là sự chững lại của nhóm tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI sau khi đã triển khai nhiều sáng kiến để cải thiện môi trường kinh doanh dường như đang vấp phải hiện tượng “đụng trần thể chế” nên khó tăng tốc cải cách.
Triển khai nhiều giải pháp đột phá
Để giữ vững vị trí trên bảng xếp hạng như hiện tại đối với Gia Lai là việc không dễ dàng và cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các sở, ngành, địa phương, nhất là những ngành có liên quan tới các chỉ số bị giảm điểm trong năm 2018. Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Sở cũng đã rất nỗ lực đối với vấn đề đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm. Nhưng vì nhiều lý do như vị trí việc làm, tiền lương, thu nhập... nên số lao động được giải quyết việc làm chưa nhiều. Năm 2018, toàn tỉnh có 1.308 người đến đăng ký tìm việc làm, 573 DN đến đăng ký cần tuyển dụng lao động và 26 DN ngoài tỉnh cần tuyển dụng lao động nhưng Trung tâm Giới thiệu Việc làm chỉ giới thiệu được trên 1.500 lao động cho DN. Sở đã có quy chế phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh để thực hiện tốt chỉ số đào tạo nghề trong năm 2019”.
Công tác cải cách hành chính được tỉnh đặc biệt quan tâm để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Đ.T |
Vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các DN chính là thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả Trung tâm Dịch vụ Hành chính công. Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-đặt câu hỏi: “Tại sao hiện vẫn có chuyện cán bộ nhũng nhiễu dân và DN để có những phản ánh liên quan tới chi phí không chính thức? Nên muốn giảm chi phí không chính thức thì phải tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để hạn chế sự tiếp xúc giữa dân và DN với cán bộ, công chức”.
Được biết, từ ngày 3-7-2018, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai đào tạo, hướng dẫn sử dụng các phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cho đội ngũ cán bộ thuộc Bưu điện tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho công dân, DN trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân-Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh-cho biết: “Về đầu tư mạng lưới, Tổng Công ty đầu tư toàn bộ mạng để thực hiện xuống huyện, xã. Sau khi làm thí điểm ở 5 huyện, phấn đấu tới năm 2020 sẽ có 100% đơn vị tiếp nhận hành chính công sang Bưu điện. Về phân đoạn, Bưu điện sẽ tiếp nhận hồ sơ và chuyển đến các cơ quan chức năng, sau đó phát tại nhà cho người dân, DN. Bưu điện đã thực hiện với Sở Giao thông-Vận tải, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Công an tỉnh”.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: “Bưu điện tỉnh, Bưu điện huyện tăng cường hướng dẫn người dân, DN các thao tác trên máy tính để thành thục với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đề nghị Bưu điện đến cuối năm triển khai dịch vụ này ở tất cả các huyện, cái nào dễ làm trước, cái khó thì tập huấn triển khai sau và phải có quyết tâm rất cao để thực hiện”.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng đặc biệt lưu ý phải nâng cao tính chủ động của lãnh đạo địa phương và các sở, ngành. “Các đồng chí phải năng động trong tham mưu, đề xuất, chủ động triển khai những chỉ đạo của cấp trên, thực hiện công tác phối hợp cho thật tốt. Giao quyền, trách nhiệm và đúng chuyên môn cho những đồng chí có trách nhiệm đi họp phải nghiên cứu kỹ nội dung để hiểu vấn đề và có thể tham gia công tác tham mưu, đề xuất. Các ngành tổ chức nghiên cứu đánh giá lại trực tiếp công việc của mình để xem chúng ta yếu cái gì, sai chỗ nào nhằm kịp thời sửa chữa. Chỉ số tăng là quan trọng nhưng quan trọng hơn là trách nhiệm phục vụ cho dân và DN”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
HÀ DUY