Kinh tế

Nâng cao năng lực đánh giá dự án ODA tại Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong những năm qua đã song hành và đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển và xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế- xã hội.
Năm 2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành Quyết định 1248/2007QĐ-BKH về khung theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006- 2010 với mục đích: Tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn ODA của nước ngoài vào Việt Nam. Trên cơ sở này, Việt Nam xây dựng hệ thống đánh giá xếp hạng và trung tâm nguồn quốc gia về theo dõi và đánh giá dự án.
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất được đánh giá là dự án đạt mức hài lòng cao
Tuy nhiên, tiêu chuẩn của hệ thống đánh giá dự án vẫn còn nhiều hạn chế về nội dung cũng như việc phân bổ thời gian; chưa có cơ chế kiểm soát chất lượng đánh giá trên phương diện liên ngành. Hình thức hoạt động của hệ thống này vẫn chỉ là thực hiện và theo dõi các chương trình, dự án đang hoạt động. Ở nhiều nơi, các cấp quản lý còn chưa chú trọng đến công tác đánh giá dự án.
Từ những bất cập trên, việc thống nhất hệ thống đánh giá giữa các nhà tài trợ vốn ODA với Chính phủ Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kiến thức cũng như kỹ năng của thành viên thực hiện đánh giá dự án còn nhiều yếu kém.
Đứng trước thực tế này, kể từ năm 2007, Bộ KH&ĐT cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có sự hợp tác xây dựng Chương trình tăng cường năng lực đánh giá và thực hiện có hiệu quả các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam. Thông qua chương trình này, trách nhiệm và vai trò trong hoạt động đánh giá của của các nhà tài trợ nước ngoài đã được Việt Nam tiếp thu bằng việc chuyển giao công nghệ và phát triển năng lực đánh giá một cách bền vững.
Ông Nagase Toshio, Phó trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, trong thời gian 4 năm (2007 - 2011), chương trình hợp tác đánh giá chung đã hoàn thành đánh giá cho 11 dự án tại Việt Nam, đóng góp cho việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đánh giá dự án cho cả khu vực nhà nước cũng như tư nhân.
Tiến trình thực hiện chương trình được đánh dấu bằng việc phối hợp triển khai các bước đánh giá giữa các nhóm chuyên gia 2 nước. Phía Việt Nam ban đầu chỉ tham gia các phần việc nhỏ như thiết kế đánh giá; điều tra thực địa dự án và viết báo cáo thu hoạch… sau 3 năm đã tiến đến thực hiện chủ trì và quản lý các đánh giá dưới sự giám sát của chuyên gia Nhật Bản.
Qua việc triển khai chương trình hợp tác đánh giá dự án, đã có hơn 200 cán bộ của Trung ương và địa phương được đào tạo quản lý và đánh giá dự án ODA, trong đó có khoảng 20 người trở thành cán bộ, giảng viên, cán bộ nghiên cứu và chuyên gia tư vấn. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức được nhiều lớp đi tham quan thực tế học tập kinh nghiệm tại nước ngoài.
Nhận định về chương trình hợp tác đánh giá dự án giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Cao Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ KH&ĐT cho rằng, chương trình đặt mục tiêu hài hòa hóa các cơ chế đánh giá và năng lực thể chế của Bộ KH&ĐT, cùng các cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi và đánh giá thông qua các đánh giá chung đối với các dự án do JICA tài trợ, đặc biệt trong ngành Giao thông và Điện lực.
Cụ thể hóa nhận định này trong lĩnh vực giao thông, ông Võ Toàn Thắng, Phó giám đốc trung tâm khai thác ga hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, một trong những đại diện nhóm đánh giá kết quả dự án xây dựng nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất mới chỉ ra rằng, dự án đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra như đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách hàng không ngày càng tăng, nâng cao sự thuận tiện và hiệu quả của người sử dụng. Trên thực tế, lượng khách hàng năm của nhà ga hành khách quốc tế đã tăng đáng kể trong giai đoạn vừa qua và còn tăng thêm nhiều nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Trong lĩnh vực điện, dự án thủy điện Đại Ninh (Bình Thuận) đã đạt được ba kết quả mong đợi, đó là đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng, tăng diện tích đất nông nghiệp được tưới tại tỉnh Bình Thuận và nâng cao đời sống của người dân trong vùng dự án. Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó giám đốc dự án cho rằng, dự án thủy điện Đại Ninh được đánh giá Hạng A bởi các tiêu chí về tính phù hợp, tính hiệu quả, tính tác động cũng như tính bền vững ở một dự án có nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài.
Củng cố thêm hiệu quả tích cực của chương trình hợp tác đánh giá dự án chung giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Keishi Miyazaki, chuyên gia đánh giá Nhật Bản, Trưởng đoàn đánh giá JICA khẳng định rằng, với quá trình hợp tác 4 năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã phát triển hệ thống đánh giá, năng lực thể chế và nguồn nhân lực cho công tác đánh giá các dự án công cũng như các dự án ODA.
Với những kết quả đã đạt được trong việc triển khai công tác đánh giá thực tế các dự án, chương trình hợp tác đánh giá chung đã mang lại một phương thức mới trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như kêu gọi nguồn vốn ODA. Đây thực sự đã tạo được cơ sở làm tiền đề cho việc sớm thành lập Hiệp hội đánh giá đầu tư Việt Nam (VIEA). Với những thay đổi này, một sự phát triển mới trong công tác đánh giá tại Việt Nam sẽ diễn ra trong thời gian tới. Bộ KH&ĐT cùng với JICA hy vọng rằng, hoạt động đánh giá sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam.
 
Theo VOV

Có thể bạn quan tâm