(GLO)- Khi Việt Nam tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại thế giới, Gia Lai có nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai như gỗ, cà phê, hồ tiêu... Song đi kèm với cơ hội là áp lực phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm.
Theo thống kê, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đầu năm 2018 là khoảng 16.400 ha (vượt quy hoạch hơn 10.000 ha). Tuy nhiên, diện tích này hiện đã giảm xuống đáng kể do hồ tiêu chết hàng loạt sau đợt mưa kéo dài của năm 2018, cộng với sâu bệnh hại.
Hồng trà Bàu Cạn cần được nâng cao giá trị gia tăng thông qua chế biến và xây dựng thương hiệu. Ảnh: H.D |
Bỏ qua nguyên nhân thời tiết thì việc các loại dịch bệnh bùng phát trên cây hồ tiêu là do người trồng thâm canh quá mức, sử dụng phân bón hóa học quá liều lượng dẫn đến cây bị ngộ độc. Đây cũng là nguyên nhân khiến hạt tiêu của Gia Lai không thâm nhập được vào các thị trường lớn của thế giới do không đạt chất lượng. Chính Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng từng nhấn mạnh: “Chúng ta phải xem xét tại sao hồ tiêu Campuchia xuất khẩu trên 15 USD/kg mà ta chỉ có 5 USD/kg. Là vì người ta sản xuất toàn bộ là hữu cơ. Còn chúng ta sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, chưa khai thác được tiềm năng, chưa xây dựng được chiến lược của các mặt hàng. Từ nay, chúng ta phải tính ngay bài toán này”.
Cà phê cũng là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh ta. Nhưng theo ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công thương), hiện nay, các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, giá trị gia tăng thấp. Trong thời gian đến, các doanh nghiệp cần có định hướng, kế hoạch tăng cường sản xuất, xuất khẩu cà phê thành phẩm nhằm tăng giá trị và mở rộng ra được nhiều thị trường quốc tế. Thực tế hiện nay, cà phê Gia Lai vẫn chưa thể vào được các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu...
Hiện các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, sản phẩm gỗ đã có mặt trên thị trường của gần 40 quốc gia. Đặc biệt, một số ngành hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Điển hình là cà phê với kim ngạch xuất khẩu trung bình 200-300 triệu USD/năm. |
Nói về chất lượng cà phê xuất khẩu, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, ông Đinh Duy Vượt-Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng nhận định, từ trước tới nay, hầu hết lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân được sơ chế nên mang lại giá trị không cao. Ngành chế biến và rang xay cà phê là mắt xích quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và giá trị hạt cà phê. Song tỷ lệ cà phê chế biến sâu của chúng ta vẫn quá thấp, chưa đạt 10%. Đáng chú ý là hàng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng chục ngàn tấn cà phê các loại đã qua chế biến từ các nước Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia… trong khi có tới 90% cà phê Việt Nam là xuất khẩu thô. Điều này cho thấy, chúng ta đã không tạo dựng, làm chủ được công đoạn chế biến và xây dựng thương hiệu..., trong khi giá trị gia tăng phần lớn nằm ở công đoạn này.
Vẫn nằm trong câu chuyện xuất thô khiến giá trị sản phẩm xuất khẩu bị giảm sút đáng kể, đó là mặt hàng chè. Cách đây chưa lâu, tỉnh ta vui mừng khi một sản phẩm ngon, độc đáo của Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn đã được “đánh thức” sau thời gian dài bị quên lãng, đó là Hồng trà. Ông Hoàng Văn Sang-Xưởng trưởng Xưởng Chế biến chè Bàu Cạn-cho biết, Hồng trà có nhiều caffeine hơn các loại trà khác nhưng vị thanh, ít chát và rất thơm. Hồng trà rất được người phương Tây ưa chuộng vì có thể bảo quản lâu, giữ được mùi hương. Các loại trà khác chỉ có thể giữ mùi được trong vòng một năm rưỡi đổ lại. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện Hồng trà được xuất qua Pháp nhưng cũng chỉ là xuất thô. Khi qua Pháp, số trà thô này mới được tinh chế với thương hiệu khác rồi đưa ra thị trường. Và lúc đó, thương hiệu Hồng trà Bàu Cạn hoàn toàn không được ai biết tới.
Có thể thấy, cơ hội để sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh vươn ra thế giới hiện nay khá thênh thang nếu chúng ta quan tâm đúng mức tới vấn đề chất lượng, nâng cao chuỗi giá trị. Tin vui là mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Giải pháp chủ yếu thực hiện Đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, đối với nông sản, chuyển từ sản xuất nhỏ, phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; đối với sản phẩm công nghiệp, chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ và quy trình sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa phù hợp với từng thị trường và năng lực của doanh nghiệp; tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài và các chuỗi giá trị toàn cầu. Tin rằng, tương lai không xa, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Gia Lai sẽ có mặt tại thị trường toàn thế giới.
Hà Duy