P.V: Ông có thể cho biết ngành BHXH Gia Lai đạt được những kết quả nổi bật nào trong thực hiện công tác BHXH, BHYT năm 2022?
Ông Trần Văn Lực- Giám đốc BHXH Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
- Ông Trần Văn Lực: Năm 2022, BHXH Gia Lai đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và chỉ đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả khả quan trên các mặt công tác. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 95.973 người tham gia BHXH, chiếm 17% lực lượng lao động trong độ tuổi; 68.124 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm 12% lực lượng lao động trong độ tuổi; 1.265.000 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 87% dân số. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 2.566 tỷ đồng. Ngành BHXH tỉnh đã chi trả chế độ BHXH, BHYT, BHTN hơn 3.030 tỷ đồng, kịp thời giải quyết các chế độ cho người thụ hưởng theo quy định.
Năm qua, ngành BHXH tỉnh phối hợp với Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh huy động các nguồn lực hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thôi hưởng chính sách BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai Chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn năm 2022 và mang Tết ấm đến với người nghèo-Xuân Quý Mão do BHXH Việt Nam phát động. Đặc biệt, BHXH tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 về quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Đây là tiền đề quan trọng trong công tác phát triển người tham gia BHYT năm 2023 và những năm tiếp theo.
P.V: Phát huy các kết quả đạt được, năm 2023, ngành BHXH tỉnh phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu quan trọng nào, thưa ông?
- Ông Trần Văn Lực: Năm 2023, ngành BHXH tỉnh phấn đấu hoàn thành tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm 92,75% dân số toàn tỉnh. Dự kiến tổng thu 2.766 tỷ đồng và tổng chi 3.475 tỷ đồng (trong đó, chi BHXH là 2.500 tỷ đồng và BHYT là 975 tỷ đồng). Phấn đấu đến hết năm 2023, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp dưới 49 giờ, nâng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức trên 85%.
Bảo hiểm Xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ảnh: Như Nguyện |
P.V: Ngành BHXH sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT nói riêng và BHXH nói chung trong thời gian tới, thưa ông?
- Ông Trần Văn Lực: Năm 2022, HĐND tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số và Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Gia Lai đạt 92% bao phủ BHYT. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên toàn tỉnh mới chỉ đạt trên 87%.
Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT nói riêng và BHXH nói chung, thời gian tới, ngành BHXH chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã theo Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ. Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 về quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; tổng kết Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH. Ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia, phối hợp cùng các cơ quan liên quan đóng, hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT đúng thời hạn, không để nợ đọng; tích cực rà soát dữ liệu thuế; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất, kiểm tra bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Ngoài ra, BHXH tỉnh sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh có các giải pháp đảm bảo thực hiện dự toán khám-chữa bệnh BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao; giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng trong lĩnh vực khám-chữa bệnh BHYT trên địa bàn; ký hợp đồng khám-chữa bệnh BHYT năm 2023. Kiểm tra việc thực hiện các quy định trong khám-chữa bệnh BHYT, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về BHXH, BHYT, hành vi lợi dụng quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.
Đồng thời, tiếp tục mở rộng, kiện toàn và thường xuyên tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho hệ thống đại lý thu, nhân viên thu trên địa bàn tỉnh, phát huy vai trò cánh tay nối dài của ngành BHXH để phát triển người tham gia. Ngoài ra, tăng cường sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN các cấp, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong việc quyết tâm triển khai hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Triển khai chính sách BHYT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, không chỉ riêng cơ quan BHXH. Do vậy, ngoài nỗ lực của ngành BHXH tỉnh thì rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành. Trong đó, ngành Y tế cần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, đảm bảo điều kiện vật chất, trang-thiết bị cơ bản phục vụ khám-chữa bệnh BHYT ban đầu. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám-chữa bệnh… góp phần thu hút người dân tham gia BHYT.
P.V: Xin cảm ơn ông!