(GLO)- Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Gia Lai vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Như Nguyện |
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Lực-Giám đốc BHXH Gia Lai-cho biết: Năm 2022, BHXH tỉnh Gia Lai đã bám sát chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và chỉ đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 12-2022, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh là 95.973 người, tăng 2.986 người, tương ứng 3,2% so với năm 2021, chiếm 17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, BHXH bắt buộc 80.081 người, tăng 2.644 người so với năm 2021 và BHXH tự nguyện 15.892 người, tăng 342 người so với năm 2021. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 68.124 người, tăng 2.758 người tương ứng 4,2% so với năm 2021, chiếm 12% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT là 1.265.000 người, tăng 79.261 người tương ứng 6,7% so với năm 2021. Tuy nhiên tỷ lệ người dân tham gia BHYT năm 2022 đạt khoảng 87%, chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao là 90% và Quyết định số 546/QĐ-TTg của Chính phủ giao là 92%.
Đến tháng 12-2022, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt hơn 2.566 tỷ đồng, tăng 0,2% so với năm 2021. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên 99 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,7% so với số phải thu. Trong đó, ngân sách chậm chuyển 35 tỷ đồng, nợ tại đơn vị 64 tỷ đồng, chiếm 2,4% số phải thu, tăng 0,04% so với năm 2021. Trong năm, ngành BHXH tỉnh đã Thực hiện chi trả trên 3.030 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước, chiếm 95,2% dự toán giao năm 2022. Trong đó, chi BHXH trên 2.210 tỷ đồng, chiếm 99,1% dự toán, tăng 16,6% so với năm 2021; chi BHYT với số tiền gần 737,4 tỷ đồng, chiếm 85,5% dự toán và tăng 15,8% so với năm 2021; chi BHTN với số tiền trên 82,3 tỷ đồng, chiếm 91,9% dự toán và giảm 57,3% so với năm 2021.
Năm 2023, toàn hệ thống tập trung một số nội dung chủ yếu: Tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm 92,75% dân số toàn tỉnh. Dự kiến tổng thu 2.766 tỷ đồng và tổng chi 3.475 tỷ đồng (trong đó chi BHXH 2.500 tỷ đồng và BHYT 975 tỷ đồng). Chỉ tiêu cải cách chính sách BHXH: Phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp dưới 49 giờ, nâng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức trên 85%.
Tại Hội nghị, ngành BHXH Gia Lai kiến nghị: Hiện nay BHXH tỉnh Gia Lai đang bị vướng số kinh phí Nghị quyết HĐND hỗ trợ BHYT năm 2020 và 2021 với số tiền 33,7 tỷ đồng do chưa có thông báo quỹ kết dư BHYT để lại cho địa phương. Đề nghị BHXH Việt Nam quan tâm sớm thông báo quỹ kết dư BHYT để lại cho tỉnh Gia Lai năm 2019, 2020 để UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, dự kiến BHXH tỉnh ký hợp đồng với 37 cơ sở khám chữa bệnh (tăng 3 cơ sở so với năm 2022, gồm 2 Phòng khám đa khoa và 1 bệnh viện), do đó đề nghị BHXH Việt Nam quan tâm giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT năm 2023 tăng lên tương ứng (tăng khoảng 75 tỷ đồng so với dự toán năm 2022).
Đề nghị BHXH Việt Nam kiến nghị cấp có thẩm quyền đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương rà soát và phê duyệt bổ sung xã khu vực III, II, I và thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025. Kiến nghị Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chính sách áp dụng đối với các xã, phường là xã khu vực III, khu vực II được phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Vì tại Điều 3 Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định xã khu vực III, khu vực II đạt chuẩn nông thôn mới sẽ thôi hưởng chế độ chính sách kể từ ngày cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nêu một số kiến nghị với BHXH Việt Nam tại hội nghị. Ảnh: Như Nguyện |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch biểu dương các kết quả đạt được của ngành BHXH tỉnh; đồng thời nhìn nhận công tác thực hiện BHXH, BHYT trên địa bàn còn nhiều khó khăn, số người tham gia BHXH, BHYT chưa bền vững, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT ở một số doanh nghiệp chưa quyết liệt xử lý. Trong năm 2022, tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh chưa đạt theo chỉ tiêu được giao.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Gia Lai là một địa bàn còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46%. Hiện nay toàn ngành Y tế tại tỉnh đang lâm vào tình trạng thiếu thuốc, nợ lương. Trong việc thanh toán chi phí khám-chữa bệnh BHYT còn một số vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm. Hội nghị lần này có sự tham gia của Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh, nhân đây đề nghị ngành BHXH Việt Nam rà soát, tháo gỡ vấn đề này, chia sẻ với tỉnh Gia Lai để cùng giải quyết khó khăn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh đề nghị ngành BHXH tỉnh cần quan tâm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tiếp tục mở rộng điểm thu, nhân viên thu và công khai số điện thoại các điểm thu để mọi người dân biết và tham gia BHXH, BHYT hoàn thành các chỉ tiêu đề ra; xây dựng các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý người hưởng; đẩy mạnh chi trả qua dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT. Ngành BHXH Gia Lai cần tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có các giải pháp đảm bảo thực hiện dự toán khám-chữa bệnh BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao; giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng trong lĩnh vực khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn; thực hiện quyết toán năm 2022 và ký hợp đồng khám-chữa bệnh BHYT năm 2023. Tiếp tục tập trung tăng cường giao dịch điện tử; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ; hoàn thiện CSDL, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành bảo đảm thông suốt, chính xác, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng…
NHƯ NGUYỆN