Kinh tế

Doanh nghiệp

Nâng cao vị thế hàng Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Qua gần 10 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm chuyển biến nhận thức và tạo niềm tin với người tiêu dùng về hàng Việt, đồng thời phát huy tối đa năng lực sản xuất, kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế trong nước. Qua đó, chất lượng, vị thế hàng Việt đã không ngừng được nâng cao. 
Chú trọng thị trường nông thôn
Cách đây 8 năm, khi phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” lần đầu tiên được tổ chức tại xã Ia Nhin (huyện Chư Pah, Gia Lai), người dân nơi đây rất phấn khởi. Chị Huỳnh Thị Hồng Nhung (thôn 4, xã Ia Nhin) chia sẻ: “Hàng hóa tại phiên chợ rất đa dạng, từ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đến đồ gia dụng có chất lượng và giá cả tốt nên đã đáp ứng được nhu cầu của bà con. Tôi còn nhớ, ngày đó, 1 chai nước rửa chén mua tại phiên chợ rẻ hơn 30% so với mua tại các quán tạp hóa trong xã. Hơn nữa, đa phần doanh nghiệp (DN) tham gia phiên chợ đều có chương trình khuyến mãi quà tặng hoặc giảm giá trực tiếp trên sản phẩm. Đây là điều mà chắc chắn nếu ra mua hàng bên ngoài chúng tôi sẽ không được hưởng. Không chỉ vậy, khi phiên chợ về nông thôn, người dân mới có cơ hội tiếp cận và sử dụng các sản phẩm chất lượng cao được sản xuất trong nước. Điều này đã dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng về sử dụng hàng Việt”.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Thực tế hiện nay, hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua các chợ và hệ thống cửa hàng bán lẻ khi mà hệ thống bán hàng của DN tại khu vực nông thôn chưa được chú ý. Do đó, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” ra đời đã tạo điều kiện cho các DN tham gia bán hàng trực tiếp đến người sử dụng khu vực nông thôn. Mặc dù kinh phí hỗ trợ cho chương trình gặp nhiều khó khăn nhưng các DN vẫn cố gắng đem hàng hóa đi phục vụ người dân. Nhờ đó, sức tiêu thụ hàng Việt tăng lên, tâm lý sử dụng hàng nội đã trở thành thói quen của người dân ở nông thôn.
Nhiều loại trái cây trong nước đã có mặt tại các siêu thị giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn. Ảnh: Đ.T
Nhiều loại trái cây trong nước đã có mặt tại các siêu thị giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn. Ảnh: Đ.T
“Để chương trình mang lại hiệu quả, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cho các DN tham gia như: tổ chức hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường, hội thảo giới thiệu sản phẩm nhằm tạo điều kiện giúp các DN tiếp cận với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn hỗ trợ DN thiết lập các đại lý bán lẻ, hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, xây dựng thương hiệu hàng hóa”-bà Thu cho biết thêm.
Là một trong những DN tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai đã có nhiều hoạt động thiết thực. Ông Trịnh Xuân Vỹ-Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai-cho biết: “Công ty có 50 phương tiện vận tải với 250 lao động trực tiếp, gồm: bán hàng, giao hàng, lái xe, giám sát… để duy trì kết nối thường xuyên với trên 4.000 khách hàng lớn nhỏ thuộc đủ các thành phần kinh tế trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, Công ty hợp tác với 25 nhà cung ứng hàng hóa có uy tín tại Việt Nam, tạo điều kiện cho người tiêu dùng được tiếp cận dễ dàng các sản phẩm hàng Việt có chất lượng, giá cả tốt. Công ty đã trở thành đơn vị đi đầu trong việc đưa hàng hóa về thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh”. 
Hiệu quả từ cuộc vận động
Là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 10 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội nhận thức đúng yêu cầu của cuộc vận động và thực hiện mua sắm hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước; tuyên truyền, vận động DN trên địa bàn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc hưởng ứng thực hiện cuộc vận động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Qua đó, các DN sản xuất kinh doanh, siêu thị, kể cả các hộ kinh doanh đã tích cực tham gia cuộc vận động bằng nhiều hình thức như tăng cường kiểm tra, giám sát trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình để nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra, tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh; tăng cường quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, thực hiện tốt chính sách hậu mãi… Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được thực hiện chặt chẽ đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế hàng Việt Nam trong tâm thức người tiêu dùng.
Các siêu thị, cửa hàng đăng ký tăng tỷ lệ hàng Việt trên 95% trong cơ cấu hàng hóa của đơn vị mình nhằm thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: T.N
Các siêu thị, cửa hàng đăng ký tăng tỷ lệ hàng Việt trên 95% trong cơ cấu hàng hóa của đơn vị mình nhằm thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: T.N
Tham gia cuộc vận động, các DN, siêu thị, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ tiểu thương đã đăng ký tăng tỷ lệ hàng Việt trên 95% trong cơ cấu hàng hóa của đơn vị; nhiều DN, hộ kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại tổ chức các đợt khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Trong 10 năm qua, Sở Công thương đã tiếp nhận trên 7.500 lượt thông tin chương trình khuyến mãi của hơn 1.450 DN trên toàn quốc gửi đến dưới nhiều hình thức như: quay số trúng thưởng, tặng quà, gửi hàng dùng thử, giảm giá… Đồng thời, Sở đã xác nhận cho 150 lượt DN đứng chân trên địa bàn tổ chức 435 chương trình khuyến mãi với doanh thu ước khoảng 40 tỷ đồng, thu hút trên 100 ngàn lượt người tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã tổ chức 54 lượt phiên chợ hàng Việt về nông thôn với 920 gian hàng của 270 lượt DN tham gia, thu hút khoảng 65,5 ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm với tổng doanh thu 5,42 tỷ đồng. Sở cũng đã phối hợp với Câu lạc bộ DN hàng Việt Nam chất lượng cao, các công ty tổ chức hàng trăm lượt hội chợ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở còn xây dựng các đề án như đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh cho các DN và hộ cá thể, đề án hình thành các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” nhằm kết nối cho các thành phần kinh tế tại địa phương được thụ hưởng nguồn kinh phí để đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bà Phạm Thị Lan-Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Phong trào-Tuyên giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) đánh giá: “Cuộc vận động đã từng bước thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt. Phong cách tiêu dùng mới được hình thành khi tiếp cận các thông tin về DN Việt, hàng hóa Việt có chất lượng. Người tiêu dùng đã có sự so sánh, đánh giá với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài, từ đó làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và người sản xuất, góp phần để cuộc vận động ngày càng có sức lan tỏa. Từ cuộc vận động, hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng và mẫu mã, lợi ích của người tiêu dùng cũng được quan tâm, đảm bảo hơn. Cuộc vận động đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các DN trên địa bàn tỉnh”.
Cũng theo bà Lan, trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, công tác tuyên truyền, vận động có nơi chưa được tiến hành thường xuyên; trách nhiệm của các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị có lúc chưa phát huy đầy đủ nên chưa khơi dậy hết tiềm năng mua sắm hàng nội địa của nhân dân. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý sính ngoại vì một số sản phẩm trong nước làm ra có chất lượng chưa tốt, giá thành lại cao, rồi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát triệt để nên ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng hàng Việt của người dân. Ngoài ra, việc đưa hàng Việt về nông thôn còn mang tính phong trào, thời vụ, lượng hàng chưa đa dạng, phong phú, kinh phí hỗ trợ DN còn hạn chế. Các DN khi tham gia các chương trình đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh giới thiệu tại các tỉnh bạn không bù đắp được chi phí dẫn đến thiếu nhiệt tình… Đó là những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để cuộc vận động đi vào chiều sâu và có hiệu quả thiết thực hơn trong thời gian tới.                                                                                    
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm